+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Kiên trì, nhất quán sự nghiệp đổi mới giáo dục

    (ĐS&PL) - Nhân dịp Tết Giáp Thìn, Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) đã có cuộc trao đổi với Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn về những thành tựu của ngành giáo dục trong năm qua và kỳ vọng trong năm 2024.

    Toàn ngành đồng lòng vì công cuộc đổi mới

    ĐS&PL: Nhìn lại chặng đường đã qua, xin Bộ trưởng có thể chia sẻ những dấu ấn của ngành giáo dục trong năm 2023?

    - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2023 là năm trọng tâm trong quá trình đổi mới, đặc biệt là đổi mới GDPT. Toàn ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

    Qua triển khai thực hiện, dấu ấn quan trọng nhất là trường học không ngừng được đổi mới, nhà giáo hào hứng với đổi mới, học sinh năng động tích cực hơn. Bên cạnh đó, việc biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa theo Chương trình GDPT năm 2018 cũng đã được hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo chất lượng.

    Đây cũng là năm công tác kiểm tra đánh giá, đặc biệt Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức với chất lượng tốt, đảm bảo công bằng, an toàn gắn với chuyển đổi số, đem lại thuận tiện cho thí sinh và người dân. Bộ GD&ĐT cũng vừa ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Và đây là bước đổi mới trong kiểm tra đánh giá để phù hợp với Chương trình GDPT mới, được dư luận xã hội đồng thuận khá cao.

    Nhìn một cách tổng thể, năm 2023 là một năm nhiều việc lớn, nhiều thách thức nhưng cũng là một năm toàn ngành GDĐT đã đồng lòng, dốc sức cho sự đổi mới một cách bản lĩnh, nhất quán để tiếp nối những gì đã làm được trong giai đoạn trước và ra sức phấn đấu cho chặng đường tiếp theo.

    bo truong bo giao duc va dao tao nguyen kim son kien tri nhat quan su nghiep doi moi giao duc dspl 1
    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

    ĐS&PL: 2023 là năm thứ 10 ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW. Thưa Bộ trưởng, Nghị quyết đã đạt được những kết quả như thế nào?

    - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể thấy Nghị quyết văn kiện quan trọng của Trung ương Đảng, định hướng mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với việc phát triển giáo dục và đào tạo trong tổng thể phát triển đất nước. Nghị quyết thể hiện rõ việc chuyển đổi nền giáo dục từ nặng về trang bị kiến thức chuyển sang một nền giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

    Theo đó, việc sắp xếp lại hệ thống các cấp học để tạo ra tính mở trong nền giáo dục, đặc biệt là những đổi mới đầu tiên trong GDPT với việc xây dựng Chương trình GDPT 2018 và đưa vào triển khai trong thực tế, bước đầu tạo ra được những thay đổi rất quan trọng.

    Việc dạy, học, kiểm tra đánh giá thường xuyên, các kỳ thi quan trọng - đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có sự đổi mới theo hướng trang bị kiến thức có tính chất nền tảng, phổ thông; quan trọng trong 9 năm đầu, tăng cường sự phân luồng, hướng nghiệp ở bậc THPT. Đi cùng với triển khai Chương trình GDPT 2018, là việc huy động các nguồn lực xã hội trong đổi mới sách giáo khoa, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” - việc này đã đem đến sự chủ động rất cao cho cơ sở giáo dục, cho giáo viên, cho học sinh. Giáo dục đại học cũng có những bước chuyển biến rất quan trọng với việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó, vấn đề trung tâm là triển khai tự chủ đại học bước đầu đã đem lại khí thế mới.

    Thích nghi trước những thay đổi của thực tiễn

    ĐS&PL: Ngoài những thành tựu đã đạt được, xin ông cho biết những vấn đề còn vướng mắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29?

    - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một số nội dung cốt lõi, trọng tâm của Nghị quyết đã được thực hiện nhưng cũng còn những nội dung chưa triển khai được hoặc chậm mà trong thời gian tới phải tiếp tục. Trong những nội dung Nghị quyết 29 đặt ra là từ sau năm 2020 thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm đối với học sinh phổ thông, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được một cách đầy đủ.

    Trong Nghị quyết 29 nêu một nội dung rất quan trọng, đó là “lương của nhà giáo được bố trí ở mức cao nhất trong thang bảng lương của khối hành chính sự nghiệp” nhưng thực tế còn khó khăn nên chưa thực hiện được như mong muốn. Nghị quyết 29 cũng yêu cầu ngân sách cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng thực tế chưa đảm bảo được. Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo đã có bước phát triển rất quan trọng nhưng vì nhiều lý do, tình trạng nghỉ việc, chuyển việc đặt ra thách thức về việc đảm bảo số lượng giáo viên cho các môn học mới và cho các khu vực có yêu cầu cao về nhu cầu học tập.

    Về công tác xã hội hóa, đối chiếu với các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29, có thể thấy, việc huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội đối với giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập còn rất nhiều điểm nghẽn phải tích cực tháo gỡ.

    bo truong bo giao duc va dao tao nguyen kim son kien tri nhat quan su nghiep doi moi giao duc dspl 2
    Ngành giáo dục bước vào năm 2024 với tinh thần “Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa”.

    ĐS&PL: Vậy đâu là những thách thức đặt ra để tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 trong giai đoạn tiếp theo, thưa Bộ trưởng?

    - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chúng ta vừa khẳng định ý nghĩa đúng đắn, tầm nhìn của Nghị quyết 29 nhưng cũng đồng thời phải phân tích trong bối cảnh mới, thách thức mới, giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều. Trong đó, thách thức mới trong phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, trong thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện, thực sự con người đang đứng trước thách thức mới để phát triển và có một cuộc sống hạnh phúc.

    10 năm về trước chúng ta chưa bàn gay gắt đến vấn đề học sinh phổ thông tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài, các trường phổ thông tốt ở nước ngoài cũng thu hút học sinh của chúng ta. Các trường đại học cũng phải cạnh tranh nguồn lực khoa học với các trường đại học trên quy mô toàn cầu. Chúng ta mải miết với câu chuyện tự chủ đại học, với câu chuyện đầu tư nhưng chúng ta còn phải ứng phó với thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục.

    Cần nhiều cái “đủ”

    ĐS&PL: Với lộ trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT còn nhiều nhiệm vụ phải thực hiện trong cương vị là Tư lệnh ngành giáo dục ông có những đề xuất cho chặng đường đổi mới tiếp theo?

    - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Với tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết 29 thì chặng đường phía trước còn rất nhiều việc phải triển khai. Đổi mới giáo dục khác với các lĩnh vực khác, là các kết quả cần phải có thời gian mới nhìn nhận, đánh giá được một cách đầy đủ. Cho nên, trong chặng đường phía trước, điều cần thiết là phải rất kiên trì, nhất quán trong định hướng đổi mới để đạt được các mục tiêu lớn và quan trọng mà Nghị quyết 29 đã đề ra.

    Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới cần một số cái “đủ”: Thứ nhất là đủ mức độ quan tâm. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn nữa, đầy đủ, sâu sắc hơn nữa.

    Thứ hai là đủ về nhận thức. Nghị quyết 29 đã tạo ra những thay đổi quan trọng, đổi mới về tư tưởng và nhận thức nhưng vẫn cần tiếp tục có sự đổi mới đầy đủ và toàn diện hơn nữa, đặc biệt là trước những vấn đề mới của thời đại đặt ra, để tiếp tục mở đường cho tinh thần đổi mới của giáo dục và đào tạo.

    Thứ ba là đủ về nguồn lực để thực hiện. Đầy đủ nguồn lực bao gồm: đủ nguồn lực về con người, đủ nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất - đủ trường, đủ lớp, đủ trang thiết bị.

    Có đầy đủ như thế, kết quả đổi mới mới như kỳ vọng và đạt được kết quả lớn hơn nữa trong tương lai.

    bo truong bo giao duc va dao tao nguyen kim son kien tri nhat quan su nghiep doi moi giao duc dspl 3

    ĐS&PL: Thưa Bộ trưởng, sang năm 2024 đâu là nhiệm vụ ưu tiên của ngành giáo dục trong năm tới?

    - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2024, rất nhiều thách thức vẫn còn nguyên, nhưng chúng tôi xác định, nếu vượt qua được sẽ có những kết quả mới. Khi việc tổng kết Nghị quyết 29 được hoàn thành, Bộ Chính trị ban hành kết luận mới, năm 2024 sẽ là năm triển khai những nội dung mới theo kết luận của Bộ Chính trị. Đây cũng là năm chúng tôi dự kiến tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển GDĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi được cấp có thẩm quyền ban hành.

    Trong năm nay, Bộ GD&ĐT đang tập trung xây dựng để sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. Chúng tôi kỳ vọng, dự án luật này sẽ là cơ hội để đưa ra những chính sách mới phát triển đội ngũ nhà giáo.

    Năm 2024, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đây cũng là năm ngành giáo dục tập trung chuẩn bị cho Chương trình giáo dục mầm non mới, đồng thời tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

    Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, chúng tôi mong muốn toàn ngành sẽ cùng bước vào năm 2024 với tinh thần “Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa”. Việc đổi mới không bao giờ là dễ dàng và luôn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, đòi hỏi ngành giáo dục phải thể hiện được bản lĩnh, sự nhất quán để xã hội đặt niềm tin.

    ĐS&PL: Cuối cùng, nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, xin Bộ trưởng gửi những lời động viên tới toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ ngành giáo dục, học sinh, phụ huynh?

    - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới không bao giờ là việc dễ dàng, luôn đầy những khó khăn, thử thách. Trước thềm năm mới, mong các thầy, các cô tiếp tục nỗ lực cố gắng, vinh quang rất lớn nhưng khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Ngành chúng ta lại tiếp tục nỗ lực phấn đấu đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, trông cậy.

    Trong năm mới, toàn ngành giáo dục mong muốn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa để cùng với ngành Giáo dục nâng cao chất lượng và tiếp tục công việc đổi mới. Chúc toàn thể nhà giáo, các em học sinh, các quý vị phụ huynh năm mới dồi dào sức khoẻ, thêm niềm tin tưởng để cùng ngành giáo dục chia sẻ, lan tỏa tinh thần đổi mới và những giá trị tích cực.

    ĐS&PL: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

    Hoa Trà

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 10 số từ 32-41 (6/2 đến 17/2/2024)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-nguyen-kim-son-kien-tri-nhat-quan-su-nghiep-doi-moi-giao-duc-a609853.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan