+Aa-
    Zalo

    Cách sơ cứu người bị ngạt khói đám cháy ai cũng nên biết

    (ĐS&PL) - Ngạt khí, ngạt khói là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gây tử vong cho các nạn nhân của vụ các hỏa hoạn. Do vậy, kỹ năng sơ cứu người ngạt khí trong đám cháy thực sự rất cần thiết cho mỗi người.

    Vụ cháy chung cư mini Khương Hạ (Hà Nội) hiện đang được nhiều người quan tâm, trong đó vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy; những kỹ năng tự thoát hiểm và cách sơ cứu người gặp nạn là 'hành trang' cần phải được trang bị.

    Theo Báo Sức khỏe và đời sống, ngạt khí là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.

    Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy, do đó nạn nhân chết trong các vụ cháy phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn, làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng.

    cach so cuu nguoi bi ngat khoi dam chay ai cung nen biet 7
    Cách sơ cứu người bị ngạt khói đám cháy ai cũng nên biết.

    Khói độc trong đám cháy nguy hiểm thế nào?

    Vietnamnet cho biết, theo thông tin đăng tải trên trang web trường Đại học PCCC, hầu hết những người chết trong đám cháy là do hít khói, không phải bị bỏng.

    Những loại khí độc sinh ra từ đám cháy như khí Cacbonôxit (Co), Cacbonic (CO2)… vô cùng nguy hiểm. Khi hít phải khí CO, máu trở nên không tiếp nhận được oxy, hệ thần kinh sẽ bị tê liệt. Khi hít phải CO2 có nồng độ 8% đến 10% con người có thể mất cảm giác và chết ngạt.

    Các sản phẩm cháy có chứa clo và hợp chất của clo (như HCl) rất độc với phổi. Các sản phẩm cháy có chứa lưu huỳnh và hợp chất của lưu huỳnh (H2S, SO2...) gây độc đối với niêm mạc, miệng và đường tiêu hóa.

    Ngoài khói độc, đám cháy giảm oxy trong không khí bằng cách tiêu thụ oxy hoặc thay thế nó với loại khí khác. Oxy xuống dưới nồng độ 6% có thể gây ngừng thở, ngừng tim và tử vong.

    Dấu hiệu người bị ngạt khói cần sơ cứu ngay

    Ho 

    Các màng nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều hơn khi bị kích thích. Tăng sản xuất chất nhầy và co thắt phế quản dẫn đến phản xạ ho. Chất nhầy có thể trong, xám hoặc đen tùy thuộc vào mức độ các hạt bị đốt cháy đọng lại ở khí quản và phổi nạn nhân. 

    Thở hụt hơi

    Do tổn thương trực tiếp đến đường hô hấp làm giảm cung cấp oxy cho máu.

    Mặt khác, bản thân máu cũng giảm khả năng vận chuyển oxy do hóa chất trong khói hoặc tế bào cơ thể không thể sử dụng oxy. Dẫn đến nạn nhân cố gắng thở nhanh để bù trừ cho tình trạng thiếu oxy này.

    Khàn tiếng 

    Tổn thương do nhiệt và các hóa chất có trong khói gây co thắt dây thanh quản, viêm và phù nề đường hô hấp trên dẫn đến nói khàn, nói khó.

    Thay đổi màu da

    Da có thể tái nhợt, hơi xanh hoặc đỏ do thiếu oxy, ngộ độc CO và bị bỏng khi tiếp xúc với lửa trong đám cháy. 

    Tổn thương mắt

    Mắt có thể bị đỏ, khó chịu do khói và nguy cơ bỏng giác mạc

    Bồ hóng (mảng bụi đen)

    Bồ hóng trong lỗ mũi hoặc cổ họng cho biết mức độ hít phải khói.

    Đau đầu, rối loạn ý thức

    Trong tất cả các vụ hỏa hoạn, mọi người đều phơi nhiễm với lượng khí CO, CN khác nhau. 

    Nồng độ oxy thấp và hít khí độc có thể gây các triệu chứng khác nhau từ tim đập nhanh, thở nhanh, khó thở, buồn ngủ, buồn nôn và đau đầu ở nồng độ thấp đến rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật và hôn mê ở nồng độ cao.

    Hướng dẫn cách sơ cứu người bị ngạt khói đám cháy

    VnExpress dẫn lời bà Trang Nguyễn, người đồng sáng lập Doanh nghiệp xã hội Kỹ năng sinh tồn SSVN (chuyên đào tạo các khóa học sơ cấp cứu và thoát hiểm cho người dân) cho biết, nguyên tắc đầu tiên là người thực hiện cứu hộ phải đảm bảo được an toàn của chính mình trong suốt quá trình cứu nạn. Nếu bạn không có chuyên môn, kinh nghiệm và nhận thấy nguy cơ mất an toàn cao, nên hỗ trợ sơ cấp cứu cho người bị nạn khi họ đã được đội cứu hộ đưa ra khỏi hiện trường đám cháy.

    Lúc này, hãy đưa nạn nhân đến nơi thoáng mát, có đủ khí oxy. Tùy vào tình trạng chấn thương của từng người để có cách xử trí phù hợp. Trong đó phải gọi người cấp cứu và ưu tiên xử trí vấn đề nghiêm trọng trước, đặc biệt là hồi sức tim phổi cho người đã ngưng thở, sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

    Với người còn tỉnh táo và hô hấp được thì để họ nằm, ngồi nghỉ ở chỗ râm mát, thoáng khí. Nên cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể cũng như bù lượng nước đã mất.

    Nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn hô hấp được, cho họ nằm nghiêng để đờm dãi không làm bít đường thở. Trường hợp có bình oxy nên cho họ thở ngay.

    Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường phải hồi sinh tim phổi (ép tim, hà hơi thổi ngạt) trước. Trước khi thao tác, cần đặt nạn nhân nằm lên bề mặt cứng. Người sơ cứu lồng hay bàn tay vào nhau và đặt cườm tay ngay giữa lồng ngực (vị trí giữa hai núm vú), sau đó ép xuống nhanh, mạnh. Mỗi nhịp lồng ngực lún sâu xuống khoảng 5-6 cm. Sau mỗi 30 lần ép tim thì thực hiện thổi ngạt hai lần. Lặp lại các thao tác liên tục cho đến khi nạn nhân có sự sống hoặc được nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp đến hỗ trợ.

    Khi thổi ngạt, người sơ cứu dùng miệng thổi hơi thở của mình vào miệng của nạn nhân, đồng thời dùng tay để bịt chặt mũi và ngược lại (tức là thổi vào mũi thì bịt chặt miệng), để hơi thở không bị thoát ra ngoài.

    Trong hơi thở bình thường có chứa khoảng 15-16% oxy. Các thao tác hồi sức tim phổi này sẽ cung cấp oxy cho máu, cũng như đẩy máu từ tim đến não và các tạng quan trọng, giúp duy trì sự sống tối thiểu cho người bị nạn.

    Ngoài ra, nếu phát hiện nạn nhân có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng cần móc ra để làm thông thoáng đường thở của họ.

    cach so cuu nguoi bi ngat khoi dam chay ai cung nen biet 2
    Cách sơ cứu người bị ngạt khói đám cháy ai cũng nên biết.

    Nếu nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể 10-20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy cơn đau bớt bỏng rát, không còn phừng phừng nữa.

    "Tuyệt đối không nên dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm trực tiếp lên người nạn nhân", bà Trang nói. Nguyên nhân là cơ thể họ đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần hai là bỏng lạnh.

    Ngoài ra, nên cởi quần áo, tháo bỏ trang sức, phụ kiện... ở vùng da bị bỏng. Khi vùng bỏng sưng lên, phồng rộp, các lớp quần áo, trang sức này có thể dính chặt vào vết thương, vừa khó cởi bỏ và gây đau đớn, trợt da.

    Sau đó, có thể dùng màng bọc thực phẩm sạch để đắp lên vết thương, để che bụi bẩn, tránh nhiễm trùng cho nạn nhân. Lúc này, nếu nạn nhân vẫn đau rất nhiều, có thể dùng đá lạnh chườm với tác dụng giảm đau và đưa họ tới bệnh viện.

    Như Quỳnh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-so-cuu-nguoi-bi-ngat-khoi-dam-chay-ai-cung-nen-biet-a590871.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan