Chi hàng chục nghìn USD cho học thêm, con vẫn điểm kém, bố mẹ tới “hỏi tội” trung tâm dạy thêm


Chủ nhật, 09/05/2021 | 07:27


Cùng sự kiện

Bố mẹ và trung tâm dạy thêm đều đưa ra lý lẽ riêng. Sự việc căng thẳng tới mức trung tâm phải nhờ cảnh sát vào cuộc.

Bố mẹ và trung tâm dạy thêm đều đưa ra lý lẽ riêng. Sự việc căng thẳng tới mức trung tâm phải nhờ cảnh sát vào cuộc.

Theo Sixth Tone, một cặp vợ chồng ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đã chi 210.000 NDT (khoảng 32.000 USD) cho con trai đi học thêm môn Toán. Được biết, cậu bé là học sinh cuối cấp, sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học cực căng thẳng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cậu bé chỉ đạt 59/150 điểm trong bài kiểm tra toàn gần nhất, khiến bố mẹ cậu không khỏi bực mình và “nổi cơn thịnh nộ” với trung tâm dạy thêm.

“Tôi đã bỏ ra một số tiền lớn để ho con học thêm Toán tại trung tâm này, mong đợi con đạt ít nhất 100/150 điểm. Tôi cảm thấy mình như bị lừa vậy”, người bố bức xúc nói.

Trong khi đó, quản lý trung tâm dạy thêm cho hay: “Trước đây, con trai họ chỉ đạt được 20/150 điểm trong các bài kiểm tra Toán. Cậu bé thực sự đã tiến bộ rất nhiều”.

Khi hai bên không thống nhất được quan điểm, trung tâm dạy thêm đã gọi cảnh sát. Nhận được tin báo, cảnh sát nhanh chóng có mặt. Sau khi cảnh sát can thiệp, bố mẹ cậu bé và trung tâm nhất trí sẽ bình tĩnh lại và cùng nhau thương lượng giải quyết.

Sau khi cảnh sát can thiệp, bố mẹ cậu bé và trung tâm dạy thêm đã nhất trí bình tĩnh lại và cùng nhau thương lượng. Ảnh: Weibo

Vụ việc sau khi được chia sẻ đã tạo nên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Weibo. Nhiều trung tâm dạy thêm thường tổ chức các lớp dạy kèm theo nhóm cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, học sinh THPT thường cần những buổi dạy kèm 1 – 1 với chi phí rất cao.

Chia sẻ với Sixth Tone, một số phụ huynh địa phương cho hay các lớp học Toán và tiếng Anh là đắt nhất, cũng là những lớp thu hút nhiều học sinh nhất. Yu Xiaoxiao, mẹ của một học sinh lớp 10 cho biết: “Một buổi dạy kèm Toán kéo dài 2 tiếng có giá 500 NDT. Có nghĩa mỗi năm chúng tôi phải chi khoảng 30.000 NDT cho lớp học Toán. Chi phí cho lớp học thêm tiếng Anh cũng tương tự”.

Trùng Khánh là một đô thị rộng lớn của Trung Quốc. Vào năm 2018, thị trường dạy thêm ở thành phố này theo báo cáo đã vượt mức 5 tỷ NDT, dự đoán sẽ còn tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Hồi tháng 3/2021, sở Giáo dục Trùng Khánh đã ban hành thông báo cấm các trung tâm dạy thêm phóng đại sự hiệu quả của các lớp học trên quảng cáo, đồng thời không được hứa hẹn nâng cao điểm thi của học sinh.

Tình trạng chi phí đắt đỏ tại các trung tâm dạy thêm không chỉ tồn tại ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Vào năm 2020, tại Ôn Châu – thành phố 9 triệu dân ở tỉnh Chiết Giang, thu nhập bình quân của người dân chỉ hơn 54.000 NDT nhưng hơn 40% gia đình ở đây đã chi ít nhất 30.000 NDT cho mỗi đứa trẻ tới trung tâm học thêm.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cải cách chính sách giáo dục nhằm giảm độ quan trọng của kết quả học tập trong tuyển sinh bậc tiểu học và THCS. Những cải cách đó đã góp phần giúp một số phụ huynh không còn sốt sắng cho con đi học thêm sớm.

Shen Tongyue, mẹ của một học sinh lớp 5 tại Thượng Hải chia sẻ với SixthTone: “Trước đây, thực sự không nói quá khi các cha mẹ ở đây chi 100.000 NDT mỗi năm để chuẩn bị cho các bé mẫu giáo tham gia phỏng vấn tuyền sinh tiểu học. Hiện giờ, khoản tiền đó đã được cắt giảm nhiều”.

Dù vậy, chị Shen cho rằng các trung tâm dạy thêm vẫn cần thiết để chuẩn bị cho thế hệ trẻ thi vào trung học và đại học. “Cuộc thi vẫn tồn tại. Khi những đứa trẻ khác vẫn đi học thêm thì rất khó để các cha mẹ không buộc con gia nhập vào guồng quay đó”, chị Shen bày tỏ suy nghĩ. 

Đinh Kim (Theo Sixth Tone)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-hang-chuc-nghin-usd-cho-hoc-them-con-van-diem-kem-bo-me-toi-hoi-toi-trung-tam-day-them-a365085.html