+Aa-
    Zalo

    Chuyện chưa kể về những ngày cuối đời của anh hùng Núp

    • DSPL
    ĐS&PL Người con dâu duy nhất còn ở lại chăm sóc ngôi nhà, hương khói cho anh hùng Núp tại làng Stơr tiết lộ nhiều câu chuyện cuối đời của ông.

    Người con dâu duy nhất còn ở lại chăm sóc ngôi nhà, hương khói cho anh hùng Núp tại làng Stơr tiết lộ nhiều câu chuyện cuối đời của ông.

    Nhà lưu niệm anh hùng Núp.

    Cuộc đời của một Anh hùng

    Để đến Làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung, huyện KBang, tỉnh Gia Lai, chúng tôi băng băng trên con đường Đông Trường Sơn. K'Bang mùa này khá nắng, nhưng trời trong xanh, rất đẹp.

    Không khó để tìm thấy Nhà lưu niệm anh hùng Núp. Ngôi nhà được xây với kiến trúc đẹp, cao ráo và khang trang. Bên trong có khá nhiều hiện vật về vị anh hùng đi vào lịch sử và sống mãi với thời gian như một số vật dụng được ông sử dụng hàng ngày, hay những đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, một số kỷ vật khi ông làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Còn đó nhiều ảnh về các hoạt động của vị anh hùng, đặc biệt vào năm 1964, khi ông sang thăm Cuba. Một số kỷ vật mà ông tặng vợ mình, như chuỗi cườm tặng vợ - Hliêu lúc cưới. Ghè đất, hai vợ chồng cúng may mắn cho con trai Hruk lúc 3 tuổi. Vòng kiềng tặng bà Chrơ (người vợ nối dây).

    Bà Giang Kim Năm (SN 1956), con dâu của anh hùng Núp cho biết: “Theo phong tục của người Ba Na, khi người chị qua đời thì nghiễm nhiên, người em sẽ thay chị làm vợ. Do đó, khi bà Hliêu mất, ông đã lấy bà Chrơ (em gái ruột bà Hliêu) làm vợ”.

    Ít ai biết rằng, anh hùng Núp còn có một thiên tình sử với một người phụ nữ và có 1 con chung, khi ông tập kết ra Bắc. Đó là thời điểm ông kết duyên với bà Hben, ca sĩ xinh đẹp, hát hay (tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội).

    Cặp đôi này cũng được người bấy giờ ca tụng là trai tài gái sắc, hình mẫu của gia đình hạnh phúc thời bấy giờ. Tuy nhiên, chẳng được bao lâu thì họ “đứt gánh giữa đường”, anh hùng Núp quay về Tây Nguyên hoạt động.

    Về nơi đã ra đi, ông tiếp tục nối dây với bà Chrơ, mà trước khi tập kết ra Bắc, theo phong tục, dòng họ cũng đã trao vòng nối dây cho ông với bà.

    Bà Hben sau đó cũng kết duyên cùng với nghệ sĩ Vionlon Lê Đức Thịnh, có 1 con chung. Sau đó, cả gia đình chuyển vào Gia Lai sinh sống. Về già, ông mất trước do tai biến, còn bà Hben mất vào năm 2017 tại nhà riêng ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), nơi bà sinh ra và lớn lên.

    Hiện nay, bà Năm đang sinh sống trong 1 căn nhà nhỏ, kế ngay bên Nhà lưu niệm anh hùng Núp. Bà cũng là người duy nhất chăm sóc và thờ phụng anh hùng Núp tại ngôi nhà này.

    Bà Năm kể: “Tất cả hiện vật liên quan đến anh hùng Núp đều giao cho Nhà nước và được trưng bày tại Nhà lưu niệm, tôi chỉ giữ lại 1 cục đá - không rõ nó là đá gì nhưng được ông yêu quý nhất. Hiện, tôi thờ trên bàn thờ, đây cũng là ý nguyện của ông”.

    Bức ảnh anh hùng Núp chụp chung với Vua lửa.

    Bình dị giữa đời thường, huyền thoại sống mãi

    Gặp chúng tôi, bà Năm còn chia sẻ nhiều về cuộc sống lúc sinh thời của vị anh hùng và cuộc sống của gia đình. “Tôi quen với anh (Đinh Hruk, con trai anh hùng Núp) từ năm 1994. Lúc đó anh cũng khó khăn, rồi nhiều người động viên, hai chúng tôi đến với nhau và tổ chức lễ cưới theo phong tục người Ba Na vào năm 1996”.

    “Trước khi đến với nhau, anh cũng đã ly hôn và tôi cũng vậy. Hai người đến với nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt. Anh chia sẻ rằng, chỉ lấy người nào hiểu được những giá trị mà gia đình đang có, đồng thời, phải gìn giữ tất cả những kỷ vật của ba và bản thân anh”, bà Năm chia sẻ...

    Bà Năm kể về những ký ức với gia đình của vị anh hùng, cuộc sống những năm tháng cuối đời của ba chồng. Kể cả những chuyện thú vị trong sinh hoạt đời thường, ví như chuyện ông thích ăn nhãn tiêu.

    “Ông rất thích ăn nhãn tiêu (loại nhãn nhỏ trái, hạt như hạt tiêu và rất ngọt). Đây là loại trái cây mà ông thích nhất. Biết ý thích này, tôi thường xuyên mua cho ông ăn, vui lắm.

    Lúc còn nằm điều trị bệnh tại bệnh viện mà không thấy tôi xuất hiện một ngày là ông lại vẫy con cháu hỏi về tôi. Có lần ông mệt, tôi hỏi ông về bán nhãn thường (loại hạt to) trong nhà trồng được để mua nhãn hạt tiêu cho bố ăn nhé, ông gật đầu đồng ý ngay”, bà Năm kể lại câu chuyện nhỏ nhưng khiến chúng tôi xúc động.
    Món ăn thứ hai mà vị anh hùng thích là chả thịt cùng với rượu thuốc. Mỗi lần ăn cơm, ông đều uống vài ngụm rượu.

    “Trong những năm tháng cuối đời, tôi là người gần gũi, chăm sóc ông nhiều nhất, kể cả lúc ở nhà cũng như tại bệnh viện. Còn đó nhiều cảm xúc, câu chuyện mà tôi chưa kể hết được...", bà Năm chia sẻ với chúng tôi.

    Anh hùng Đinh Núp (tên Ba Na là Sar) nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ông không chỉ là biểu tượng của đại ngàn Tây Nguyên mà tên tuổi còn vang xa đến bạn bè quốc tế.

    Cuộc đời của anh hùng Núp cũng đã bước vào văn học, với tác phẩm “Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc, mà cho đến nay, bao thế hệ người con Gia Lai và cả nước đều ngưỡng mộ và tự hào.

    Tùng Long - Việt Hùng

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (72)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-ve-nhung-ngay-cuoi-doi-cua-anh-hung-nup-a365106.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan