+Aa-
    Zalo

    Đề thi môn Ngữ Văn tốt nghiệp THPT 2023: Chuyên gia nhận định cấu trúc đề thi phù hợp

    (ĐS&PL) - Tác phẩm "Vợ nhặt" vào đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo chuyên gia, cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức trong đề thi chính 2023 cũng tương tự như đề minh họa mà Bộ đã công bố ngày 3/1/2023.

    Cô Phạm Thị Thu Phương – GV môn Ngữ Văn tại Tuyensinh247.com cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2023 (28/6/2023) giữ nguyên cấu trúc của đề thi minh họa kì thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn do Bộ GD&ĐT công bố ngày 3/1/2023, cũng là cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong kì thi TN THPT năm 2022.

    Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5-6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

    Cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức trong đề thi chính 2023 cũng tương tự như đề minh họa mà Bộ đã công bố ngày 3/1/2023.

     

    de thi mon ngu van tot nghiep thpt 2023 chuyen gia nhan dinh cau truc de thi phu hop
    Cập nhật Đề thi môn Ngữ Văn tốt nghiệp THPT 2023 chuẩn nhất, chính xác nhất.

    Cấu trúc đề gồm 2 phần:

    Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

    Đề cung cấp 1 văn bản đọc hiểu với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1- xác định thể thơ của đoạn trích; câu 2- chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa trong 3 dòng thơ cho sẵn) đến thông hiểu (câu 3- nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong 4 dòng thơ cho sẵn), rồi đến vận dụng (câu 4- rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình").

    Dù ở các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc, nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,5 điểm.

    Phần II: Làm văn (7 điểm)

    Phần II gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội - giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học - không giới hạn dung lượng.

    Câu 1 đưa ra vấn đề "sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống" liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I.

    Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, trước hết học sinh cần nêu vấn đề một cách ngắn gọn, rồi đi vào giải thích khái niệm "cân bằng cảm xúc", phân tích các biểu hiện và ý nghĩa của việc biết cân bằng cảm xúc, nêu dẫn chứng minh họa, bàn luận mở rộng phản biện, và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực.

    Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu. Đây là tư tưởng đạo lí gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không "làm khó" các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

    Câu 2 yêu cầu học sinh phân tích một đoạn trích ngắn trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, từ đó nêu lên nhận xét về cách nhìn cuộc sống của tác giả được thể hiện qua văn bản trích dẫn.

    Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích một đoạn trích văn bản văn xuôi; mà còn phải biết khái quát nhận diện được cách nhìn cuộc sống của nhà văn.

    Đây là một đoạn trích hay, tiêu biểu, có nhiều ý nghĩa, học sinh sẽ dễ dàng tạo lập hệ thống luận điểm và phân tích được những tầng nghĩa ẩn sau câu chữ.

    Tuy nhiên, để nhận xét được cách nhìn cuộc sống của nhà văn thể hiện qua đoạn trích, học sinh phải thực sự hiểu tác phẩm, hiểu nhân vật và hiểu phong cách của nhà văn Kim Lân.

    Đó là cái nhìn sắc sảo để phơi bày hiện thực xã hội những năm trước cách mạng, nhưng cũng chan chứa tình yêu và niềm tin về khả năng kì diệu của con người khi bị đẩy đến bờ vực, con người không còn là nạn nhân một chiều của hoàn cảnh mà có khả năng cải tạo hoàn cảnh, cách mạng chính là con đường sáng dẫn lối.

    Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ nằm trong khoảng từ 3 đến 3,5 điểm. Những học sinh khá giỏi, có năng lực phân tích và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4,0 điểm trở lên cho câu này.

    Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2023 của Bộ Giáo dục & Đào tạo Hà Nội ngày 28/06/2023 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao.

    Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

    Liên quan đến thông tin đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 bị lọt ra ngoài sớm, trao đổi với PV, đại diện Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã tiếp nhận thông tin và đã chuyển thông tin tới Cục An ninh Chính trị nội bộ (A03) để vào cuộc xác minh ngay sự việc.

    Việt Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-thi-mon-ngu-van-tot-nghiep-thpt-2023-chuyen-gia-nhan-dinh-cau-truc-de-thi-phu-hop-a580848.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan