+Aa-
    Zalo

    Đôi khi ta phải cảm ơn sự từ chối

    ĐS&PL Khi nhận được cái lắc đầu, khi bị từ chối, chúng ta cảm thấy tổn thương và thất vọng. Sự tiêu cực xâm lấn khiến chúng ta thấy mọi cánh cửa trước mắt như đóng chặt lại. Chúng ta hết đường, hết cơ hội, cảm thấy họ tàn nhẫn còn mình vô dụng, vì thế mà chán chường.

    Tuy nhiên, sau một loạt cảm xúc tiêu cực ấy, chúng ta cần phải tỉnh táo lại, phải nghiêm túc kiểm điểm chính mình, tìm ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của bản thân, sau đó quyết tâm khắc phục và thay đổi.

    Đây là lúc chúng ta phát huy sức mạnh của ý chí, là thời điểm kích hoạt sức mạnh tiềm ẩn, đánh thức con người phi thường bên trong mình và bắt đầu vươn lên, từng bước chuẩn bị tư thế và tâm thế để đối mặt với tất cả mọi khó khăn cùng thử thách. Lý do khiến chúng ta có lúc phải cảm ơn sự từ chối là vì thế.

    Nếu bạn bị từ chối vì thiếu năng lực, đây là việc hoàn toàn công bằng và khách quan. Tuy nhiên, có những lúc bạn rõ ràng có năng lực, xứng đáng được ghi nhận nhưng vẫn bị từ chối, vì thế mà cảm thấy ấm ức và khó chịu. Đó chính là thời điểm dễ khiến bạn nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, nản lòng và buông xuôi.

    Đối với bài khảo nghiệm trên, nhiều người không thể vượt qua được, đành lòng chấp nhận thua cuộc nhưng cũng có không ít người mạnh mẽ “đứng dậy” để chứng minh năng lực của bản thân, biến “ nguy” thành “ cơ”, lấy thách thức, hiểm nguy làm cơ hội để vươn lên.

    Kỳ thực, có nhiều lý do, nhiều tình huống khác nhau khiến bạn phải nhận câu “không” đầy lạnh lùng và khó chịu. Có thể là do bạn chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi, chưa đạt yêu cầu, bạn chưa được lòng họ, chưa biết cách để bản thân được ưu ái, bạn chưa đủ thuyết phục đối với họ hoặc cơ hội đang “bận” đến với người khác. Dù lý do khiến bạn bị từ chối là gì, việc bạn cần làm không phải là suy sụp, khóc lóc mà phải biến mọi thứ thành động lực để cố gắng nhiều hơn nữa.

    doi khi ta phai cam on su tu choi
    Chúng ta đôi khi cần cảm ơn sự từ chối. Ảnh minh họa

    Bạn từng nghe câu chuyện chuyển mình ngoạn mục từ một cô giáo dạy Ngữ văn thành giám đốc khu vực của hãng bảo hiểm chưa? Cô giáo dạy Văn đó là một người đầy năng lực (thi vào đại học được 9 điểm môn Văn, hàng năm có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh) nhưng mãi không xin chuyển được về gần nhà công tác.

    Hoàn cảnh gia đình neo người, tiềm lực kinh tế yếu, cô mệt mỏi, nhiều phen xin chuyển đều nhận lại cái lắc đầu với câu "chờ đợt sau có suất". Chồng đi công tác xa nhà, con lại ốm đau nheo nhóc, cô giáo cuối cùng quyết định xin nghỉ dạy.

    Với năng lực sẵn có, cô xin làm bảo hiểm. Sau nhiều cố gắng và nỗ lực, cô hiện đã trở thành giám đốc khu vực của một hãng bảo hiểm uy tín. Trong khi đó, con trai đầu của cô hiện đang du học ở Úc, còn con gái út đang là học sinh xuất sắc của một trường chuyên, gia đình êm ấm, hạnh phúc.

    Bạn có biết chuyện của một anh chuyên viên vì “mưu hèn kế bẩn” nơi công sở mà mất định hướng nhưng nhanh chóng vực dậy bản thân và đạt thành tựu to lớn không?

    Chuyện là anh chuyên viên này rất giỏi nghiệp vụ, cũng rất có uy tín nhưng không may gặp phải sự cố trong một lần xử lý công việc. Anh vốn là người năng động, tháo vát lại thẳng thắn nên cũng có người không ưa, lập mưu hèn để khiến anh bị xử lý kỷ luật, rơi vào cảnh “tình ngay lý gian”, điều này cơ bản ai cũng biết. Tới khi sự việc đã sáng tỏ, anh xin cơ hội được sửa sai và khắc phục nhưng lại chỉ nhận về những cái lắc đầu.

    Việc đó đã khiến anh chới với, khủng hoảng mất một thời gian ngắn nhưng rất nhanh đã “đứng dậy”. Anh hiện là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty cổ phần thiết bị ngành điện, điện lực. Sau 5 năm cố gắng gây dựng, anh còn là chủ của 3 cây xăng lớn trên trục đường quốc lộ.

    Ngoài cô giáo dạy Văn hay anh chuyên viên nói trên, tự cổ chí kim còn rất nhiều những tấm gương khác vì bị từ chối, bị đẩy vào nghịch cảnh nhưng vẫn giữ vững ý chí và nghị lực, nỗ lực vươn lên, cuối cùng chạm tới thành công.

    Các vĩ nhân sẽ không vì ánh mắt của người đời mà sợ thất bại rồi bỏ cuộc. Các đại quan triều đình thời phong kiến vì bị áp bức, sỉ nhục mà thêm ý chí. Những tỷ phú tự thân vì xuất thuân nghèo khổ, bị quăng quật, chịu nhiều kìm kẹp mà thêm bền gan vững trí.

    Nói gần gũi hơn là chuyện yêu một người, bạn yêu họ rất chân thành nhưng không được đáp lại, thậm chí bị từ chối. Điều đó chắc hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy tổn thương trong lòng nhưng đừng vì thế mà ủy mị yếu đuối hoặc cố chấp để rồi thêm mệt mỏi, làm ra những hành động đánh mất lòng tự trọng.  

    Họ từ chối bạn không phải vì bạn xấu xí, không phải vì bạn chưa đủ tầm, chưa đáng để họ yêu, chỉ đơn giản là vì trái tim họ không rung động với bạn. Họ không hề vô tâm, không phải không biết yêu hay “lòng dạ sắt đá”, chỉ là tâm của họ dành cho một ai đó khác. Bạn nên cảm ơn họ đã thành thật nói lời từ chối để bạn có cơ hội gặp được người phù hợp hơn, yêu bạn hơn.

    Bạn ạ, cánh cửa này đóng lại đôi khi là cơ hội để cánh cửa khác mở ra.

    Những người có năng lực, có ý chí và có quyết tâm sẽ không bao giờ thấy ức chế vì bị từ chối rồi chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, họ sẽ tìm cách để khắc phục, để chinh phục, thật sự nỗ lực. Bằng cách đó, họ khiến những người từng từ chối mình thấy rằng họ đã không đánh giá đúng tầm, đã hạn hẹp với người xứng đáng.

    Điều quan trọng hơn là cuộc sống này còn nhiều điều tốt đẹp, nhiều mục tiêu để chinh phục, vậy nên những lời từ chối cũng có giá trị ẩn sâu bên trong nó, vấn đề lớn nhất là chúng ta cần có đủ sự bình tĩnh, tích cực để nhìn ra!

    Trà Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doi-khi-ta-phai-cam-on-su-tu-choi-a500313.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan