+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng BIDV: Lợi nhuận quý 1 khới sắc, nợ nhóm 5 tăng 13% so với đầu năm

    (ĐS&PL) - Thời gian qua, BIDV liên tục rao bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, một số khoản nợ đã được rao bán nhiều lần nhưng không có người mua. Kết thúc ba tháng đầu năm, nợ xấu của BIDV đạt mức 24.730 tỷ đồng, tăng tới 40%.

    Báo cáo tài chính quý I/2023 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) ghi nhận lợi nhuận sau thuế ba tháng đầu năm tăng hơn 52%, lên mức 5.559 tỷ đồng.

    Thu nhập lãi nhuần trong kỳ của BIDV đạt mức 13.936 tỷ đồng, tăng 8,7%. Các mảng kinh doanh ngoại hối và hoạt động dịch vụ đều ghi nhận tăng trưởng lần lượt 15% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức lợi nhuận 672,7 tỷ đồng và 1.517 tỷ đồng.

    Hoạt động kinh doanh chứng khoán đem về cho BIDV 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ 200 triệu đồng.

    Tăng trưởng lợi nhuận của BIDV trong quý I/2023 còn đến từ việc nhà băng này đã cắt giảm 25% chi phi dự phòng rủi ro so với cùng kỳ, xuống còn hơn 5.527 tỷ đồng.

    Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của BIDV đạt 2,06 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 4,6%, đạt 1,5 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 1,6% đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng.

    giaodichkhachhang compressed
    Ảnh minh họa.

    Hạng mục tài sản có khác của BIDV ghi nhận 38.794 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu là 22.226 tỷ đồng. Trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất cuối năm 2022, hạng mục này đã tăng bất thường từ 7.838 tỷ đồng lên hơn 22.728 tỷ đồng.

    Thời gian qua, BIDV liên tục rao bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, một số khoản nợ đã được rao bán nhiều lần nhưng không có người mua.

    Kết thúc ba tháng đầu năm, nợ xấu của BIDV đạt mức 24.730 tỷ đồng, tăng tới 40%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 13.300 tỷ đồng, tăng 13%. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 4.283 tỷ đồng, tăng 59%. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của BIDV đã tăng gấp 2,2 lần so với đầu năm, lên mức 7.145 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

    Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết, trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn dẫn đến xu hướng nợ xấu có nhiều khả năng tăng hơn năm ngoái, ngân hàng đã lường đoán tình hình này và dự kiến tỷ lệ nợ xấu (theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN) dưới 1,4%, trích dự phòng rủi ro gần 20.000 - 21.000 tỷ đồng. Mức trích lập thấp hơn năm ngoài vì năm 2022 ngân hàng đã trích và xử lý tương đối cho các khoản nợ tồn đọng.

    Trong năm 2023, BIDV đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên 61.557 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm trước. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trong đó gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phần còn lại là phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu) theo phương án đã được ĐHCĐ BIDV năm 2022 thông qua.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-bidv-loi-nhuan-quy-1-khoi-sac-no-nhom-5-tang-13-so-voi-dau-nam-a574978.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan