+Aa-
    Zalo

    Người dân tự ý mua pháo về đốt trong ngày Tết bị xử lý như thế nào?

    (ĐS&PL) - Thời điểm cuối năm các hoạt động chế tạo pháo, mua bán pháo nổ lại diễn ra phức tạp, gây khó khăn trong công tác kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong dịp Tết trên thị trường có nhiều loại pháo, người dân cần phải cân nhắc để lựa chọn loại pháo được sử dụng theo quy định để đảm bảo an toàn và tránh bị xử phạt trong dịp đầu năm.

    Người dân được tự bắn loại pháo nào?

    Từ ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo hoa. Theo đó, vào dịp Tết Nguyên Đán hay các dịp lễ, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật... người dân sẽ được bắn pháo hoa nhưng phải đảm bảo chỉ bắn các loại pháo hoa được định nghĩa tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP: 

    "Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ".

    Như vậy, pháo hoa được người dân sử dụng phải là loại không gây ra tiếng nổ. Đối với loại "pháo hoa nổ" (là loại phát ra tiếng nổ) thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp lễ lớn hoặc dịp Tết theo kế hoạch của Nhà nước. Nghiêm cấm việc tổ chức, cá nhân tự ý sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ và pháo hoa nổ.

    Việc người dân mua các loại không nổ để sử dụng cũng phải mua ở các địa điểm, cơ sở do nhà nước quy định. Theo đó, khoản 2, Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

    Hiện nay, Tại Việt Nam chỉ có Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoá chất 21 (Nhà máy Z121) là nơi duy nhất được giao sản xuất, cung ứng pháo hoa.

    nguoi dan co duoc tu y mua phao ve dot trong ngay tet
    Người dân tự ý mua pháo về đốt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa.

    Quy định cấm sử dụng pháo hoa như thế nào?

    Tại Chỉ thị 406-TTg ngày 08/8/1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).

    Đến Điều 6 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, Chính phủ đưa ra các hành vi bị cấm gồm:

    • Chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… pháo nổ trừ trường hợp được giao nhiệm vụ từ Thủ tướng Chính phủ
    • Chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… trái phép pháo hoa, thuốc pháo
    • Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm hoặc khu vực được bảo vệ và mục tiêu bảo vệ
    • Mua bán, trao đổi, tặng cho, mượn và cho mượn, thuê và cho thuê, cầm cố… các loại giấy phép về pháo…

    Các trường hợp được bắn pháo hoa

    Những quy định này chỉ cấm các hành vi mua bán, sử dụng, đốt pháo hoa, thuốc pháo một cách trái phép mà các trường hợp dưới đây, người dân được sử dụng pháo tại Điều 9 Nghị định 137/2020/NĐ-CP gồm:

    - Sử dụng pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp để biểu diễn, thi đấu và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

    - Các trường hợp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

    - Được coi bắn pháo hoa trong các dịp:

    • Tết Nguyên Đán: Bắn pháo hoa tầm cao hoặc bắn pháo hoa tầm thấp, trong khoảng 15 phút
    • Kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam tùy vào từng ngày mà có thời gian bắn và bắn tầm cao hay thấp khác nhau
    • Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ 21 giờ ngày giải phóng hoặc thành lập các tỉnh, thành phố
    • Ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
    • Trường hợp khác

    Chế tài xử lý hành vi tự ý bắn pháo hóa dịp Tết Nguyên đán

    Xử phạt vi phạm hành chính

    • Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng: Mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (mua bán pháo hoa) mà không có giấy phép kinh doanh theo điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
    • Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

    Chịu trách nhiệm hình sự

    Vì pháo đã bị cấm buôn bán, sử dụng trên toàn quốc nên việc tự ý mua pháo về đốt trong ngày Tết có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội buôn bán, sản xuất, tang trữ và vận chuyển hàng cấm tại Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

    Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ, số lượng và hậu quả mà mức tiền phạt cao nhất lên đến 9 tỷ đồng hoặc bị phạt tù cao nhất là 10 năm.

    Thực tế, thời gian gần đây đã có rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra khi người dân tự ý sử dụng pháo nổ đặc biệt nghiêm trọng hơn là các trường hợp tự chế tạo pháo gây nguy hiểm đến tính mạng. Để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, cần phải tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bên cạnh đó, cần phải tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ.

    Bảo An 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-co-duoc-tu-y-mua-phao-ve-dot-trong-ngay-tet-a607893.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan