+Aa-
    Zalo

    Nuôi trứng non, tạo phôi: Những đứa con mang tên... hy vọng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bên cạnh xu hướng “gửi” tinh trùng vào “ngân hàng” để duy trì nòi giống, hiện nay nhiều phụ nữ cũng quyết định nuôi trứng non, tạo phôi để tránh nguy cơ vô sinh

    (ĐSPL) - Bên cạnh xu hướng “gửi” tinh trùng vào “ngân hàng” để duy trì nòi giống, hiện nay nhiều phụ nữ cũng quyết định nuôi trứng non, tạo phôi để tránh nguy cơ vô sinh hoặc có một đứa con không khoẻ mạnh nếu họ kết hôn quá muộn.

    “Nuôi trứng non” để duy trì khả năng sinh sản

    Tạo dựng gia đình, có thai, sinh con - đó là ước mơ của tất cả phụ nữ. Tuy nhiên không phải phụ nữ nào cũng có thể thực hiện được quy luật rất đỗi tự nhiên này. Không ít người, sau khi lập gia đình lại không thể mang thai vì hiện tượng suy giảm chức năng buồng trứng. Điều đó cũng có nghĩa, khả năng làm mẹ của họ không thể thực hiện được bằng cách bình thường. Với khát khao làm mẹ, không ít phụ nữ đã lựa chọn giải pháp tối ưu là hút trứng non, nuôi trứng trưởng thành, tạo phôi để tránh nguy cơ vô sinh hoặc có một đứa con không khoẻ mạnh khi họ kết hôn quá muộn.

    Các chuyên viên phôi học đang phân lập trứng non từ dịch nang.

    Đã nhiều lần tiếp xúc với các bác sỹ chuyên khoa sản, chúng tôi từng được biết đến những bí mật khó tin ở “ngân hàng” tinh trùng. Tại các bệnh viện, số người tìm đến “gửi” tinh trùng để duy trì con giống ngày càng gia tăng.

    Bác sỹ Nguyễn Xuân Hợi, trung tâm Hỗ trợ sinh sản - bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ: “Mỗi người đến gửi đều có hoàn cảnh và lý do khác nhau. Có người khi đi công tác xa tận nước ngoài nhiều năm để vợ ở nhà, nhưng lại muốn trong thời gian mình đi công tác ở nhà vợ sinh con, nên đã đến trung tâm gửi “con giống” để vợ ở nhà bơm vào tử cung rồi mang thai. Có trường hợp lo xa cho tương lai, họ sợ chẳng may khi gặp tai nạn, còn lưu lại giống nòi cho mình... Cũng giống như nam giới, nhiều phụ nữ kết hôn muộn đã đến các bác sỹ tư vấn để được lưu nuôi trứng non tạo thành phôi với hy vọng sẽ có một đứa trẻ khỏe mạnh cũng ngày càng gia tăng”.

    Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Lê Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa Sản A, bệnh viện Từ Dũ cho biết: "Nhiều trường hợp đã tìm tới chúng tôi để được tư vấn nuôi trứng non. Hầu hết, họ đều là phụ nữ có những hoàn cảnh tế nhị và cũng là những người có kinh tế khá.

    Cách đây không lâu, có một phụ nữ tên Hương (quận Tân Bình, TP.HCM) đã tìm đến chúng tôi xin tư vấn. Chị này chia sẻ rằng, chị gái vừa lấy chồng được hơn một năm nhưng trở trêu thay chưa kịp mang thai thì cô ấy đã mắc ung thư. Từ chuyện của chị gái, Hương lo lắng, chẳng may sẽ có những tai họa bất ngờ ập xuống, nên mong muốn nuôi trứng non, tạo phôi để duy trì khả năng sinh sản sau này.

    Một trường hợp khác bị buồng trứng đa nang đã từng thụ tinh ống nghiệm để chữa vô sinh ở Thái Lan nhưng thất bại. Nỗi ám ảnh đau đớn do quá kích buồng trứng vẫn chưa nguôi. Khi biết đến kỹ thuật nuôi cấy trứng non “không gây quá kích buồng trứng”, chị tìm hiểu thông tin rồi quyết định làm ở bệnh viện”.

    TS.Lê Thị Thu Hà cũng cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, xu hướng “gửi” trứng tại các bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản khá phổ biến. Tuy nhiên, việc đông lạnh trứng chỉ được tư vấn áp dụng đối với những phụ nữ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bạch cầu và lo ngại rằng phương pháp điều trị phóng xạ sẽ phá hủy trứng của họ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại về mặt đạo đức, pháp lý và nhiều tranh cãi về sự lão hóa trong sinh sản.

    Cho đến nay, những người phụ nữ đã trải qua bảo quản trứng lạnh, hoặc đông lạnh trứng, không thể dự đoán được cơ hội sinh con của họ khi trứng được cấy ghép trở lại. Vì thế, kỹ thuật nuôi trứng non, tạo phôi đang được xem là cứu cánh của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

    Những bí mật ở ngân hàng tinh trùng và chuyện “hỗ trợ vốn”

    Trao đổi với PV, TS. Vũ Bá Quyết- Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh, có thể do chồng hoặc vợ. Nếu trục trặc do tinh trùng của chồng hiện đã có ngân hàng tinh trùng “hỗ trợ vốn”, còn nếu do trứng của vợ thì việc tìm trứng thay thế rất khó khăn. Lâu nay chúng ta có ngân hàng tinh trùng và ngân hàng phôi, nhưng không có ngân hàng trứng cho phụ nữ hiếm muộn vô sinh là vì chất lượng trứng sau khi rã đông kém, không như “trứng tươi”, nên để tạo thành phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm thì tỷ lệ thành công thấp. Ngoài ra, việc chọc hút lấy trứng là kỹ thuật điều trị được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt”.

    Theo thống kê từ hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, vô sinh ở các cặp vợ chồng do nhiều nguyên nhân, nhưng bình quân khoảng 5\% số trường hợp cần đến trứng để điều trị, do người vợ lớn tuổi, buồng trứng bị suy yếu hoặc do bệnh lý... Vì lẽ đó mà có xu hướng kích trứng non, tạo phôi hiện nay ngày càng phổ biến.

    Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong số 2.500 cặp vợ chồng đến chữa trị vô sinh tại đây hằng năm, có khoảng 10\% cần xin trứng để điều trị. Tất cả những trường hợp cần trứng người bệnh phải tự đi tìm người cho trứng và chủ yếu họ xin trứng từ người thân họ hàng. “Việc người bệnh phải tự đi tìm trứng để chữa trị vô sinh có thể sẽ dẫn đến tình trạng mua bán trứng, hoặc “cò” mua bán trứng mà trong thời gian qua đã xảy ra cả trong và ngoài nước. Bởi thế, nhiều phụ nữ đã lựa chọn hình thức hút trứng non, nuôi trứng trưởng thành, tạo phôi để bảo tồn khả năng sinh sản”.

    Trước nhu cầu có thật về việc tích trữ trứng trong điều trị vô sinh, trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Huy Bạo- nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam, nhu cầu cất giữ trứng của phụ nữ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tại các bệnh viện ở Việt Nam chưa có dịch vụ đông lạnh trứng mà chỉ có kích trứng non, tạo phôi. Việc chọc hút để lấy trứng phức tạp hơn, khó hơn rất nhiều so với lấy tinh trùng. Lấy trứng là một quy trình can thiệp sâu, phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng, phải gây mê... chi phí rất cao”.

    Theo các bác sỹ chuyên khoa, trứng lưu trữ ở ngân hàng, sau khi rã đông để điều trị thì tỷ lệ thành công rất thấp, không như tinh trùng, bởi vì trứng rất yếu ớt. Vì thế, để tạo thành phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm thì tỷ lệ thành công thấp. Việc nuôi trứng non, tạo phôi thì tỷ lệ thành công cao. Hiện nay, Việt Nam được xem như là một trong những nước thực hiện kỹ thuật nuôi trứng non thành công nhất trên thế giới. Mặc dù phát triển sau hơn 20 năm, chuyên ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam đã có thể phát triển kỹ thuật chuyên sâu ở trình độ thế giới.

    Thời gian cất giữ có thể đến 10 năm

    Theo tìm hiểu của PV, xu hướng đông lạnh trứng hiện nay khá phổ biến ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc… Thậm chí, ở trong nước có không ít người có điều kiện đã sang tận nước ngoài để khám và tư vấn từ các bác sỹ chuyên khoa. Được biết, nhờ sự phát triển của khoa học nên thời gian cất giữ trứng có thể kéo dài đến 10 năm. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có ngân hàng trứng mà chỉ có ngân hàng tinh trùng, ngân hàng phôi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nuoi-trung-non-tao-phoi-nhung-dua-con-mang-ten-hy-vong-a83690.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan