+Aa-
    Zalo

    Vụ nguồn phóng xạ bị mất: 3 người từng tử vong vì nhiễm xạ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc nguồn phóng xạ cực kỳ nguy hiểm của nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1, Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa phát hiện bị mất khiến dư luận hoang mang.

    (ĐSPL) - Việc nguồn phóng xạ cực kỳ nguy hiểm của nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa phát hiện bị mất khiến dư luận hoang mang. Qua tìm hiểu, PV báo Đời sống và Pháp luật nhận thấy việc quản lý lỏng lẻo nguồn chất độc hại này mới là điều đáng lo…

    Bỗng dưng… bị mất!

    Ngay khi nhận được tin báo về việc mất nguồn phóng xạ, ngày 8/4, PV báo Đời sống và Pháp luật có mặt tại công ty thép Pomina 3 (thuộc KCN Phú Mỹ, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để tìm hiểu thêm chi tiết vụ việc. Tuy nhiên, khi PV có mặt, ban Giám đốc công ty bận họp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    phong-xa-bi-that-lac-1

    Toàn cảnh công ty thép Pomina 3 - nơi xảy ra việc mất nguồn phóng xạ (ảnh Đ. Vượng).

    Trước đó, như tin đã đưa, ngày 25/3, phía công ty thép Pomina 3 thực hiện việc bàn giao công tác quản lý về an toàn bức xạ giữa ông Đào Đức Hùng (cán bộ phụ trách An toàn bức xạ cũ) và ông Nguyễn Văn Út (nhân viên dự kiến thay thế công việc của ông Hùng). Sau khi nhận bàn giao hồ sơ xong, ông Nguyễn Văn Út bất ngờ phát hiện, nhà máy bị mất một nguồn phóng xạ Co-60. Thấy làm lạ, ông Út đã lên trình báo với ban lãnh đạo công ty. Sau đó, công ty đã cử cán bộ đi kiểm tra và phát hiện nguồn phóng xạ bị mất.

    Để làm rõ hơn, phía công ty Pomina 3 đã có nhiều giấy tờ triệu tập yêu cầu ông Hùng có mặt. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì ông Hùng không đến, đồng thời cũng không đưa ra được bất cứ một lời giải trình nào hết về chuyện phóng xạ bị thất lạc. Cho rằng, có nhiều điều khuất tất xung quanh vụ việc, vì thế phía công ty đã liên hệ gửi nhiều giấy tờ lên các cơ quan ban ngành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời ra nhiều thông báo phát cho công nhân, người ngoài nhanh chóng tìm ra nguồn phóng xạ bị thất lạc.

    Xem video: Chưa tìm thấy thiết bị phóng xạ thất lạc: Hiểm họa tiềm ẩn

    Được biết, công ty thép Pomina 3 có năm nguồn phóng xạ Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) dùng để đo mực thép lỏng trên dây chuyền sản xuất phôi thép. Nguồn phóng xạ bị mất nằm trong dây chuyền sản xuất phôi thép ở lô số 3, dạng hình trụ đường kính 140mm, dài 458mm, cân nặng khoảng 45kg, nguồn phóng xạ trên có hoạt động khoảng 2,33mCi.

    Dốc lực truy tìm

    Theo tìm hiểu của PV, từ khi phát hiện nguồn phóng xạ trong nhà máy, ngay lập tức ban lãnh đạo công ty chỉ đạo ra các thông báo gửi tới toàn thể công nhân, người đi đường bằng những tờ rơi, mong sớm truy tìm lại nguồn phóng xạ. Cụ thể, trong bản thông báo có nội dung như sau:

    “Hiện tại, nhà máy thép Pomina 3 đang bị thất lạc nguồn phóng xạ Co – 60 với thông tin về nguồn như sau (hình ảnh đính kèm): Có hình trụ, đường kính 140mm,  chiều dài 45mm, trọng lượng 45kg. Đây là nguồn phóng xạ dùng để đo mực thép lỏng, tính nguy hiểm rất lớn một khi nhiễm xạ, hiện đang bị thất lạc. Vì vậy, ban lãnh đạo thông báo đến toàn thể cán bộ công nhân viên công ty, nếu ai phát hiện nguồn phóng xạ trên thì báo khẩn cấp về phòng Tổ chức hành chính, để sớm thu hồi về bảo quản. Trên tinh thần hợp tác, nhà máy sẽ có những phần thưởng xứng đáng cho các cá nhân cung cấp thông tin, vị trí của nguồn đang bị thất lạc. Đồng thời, công ty cũng không truy cứu bất kỳ lý do nào, đối với người có công trong việc giúp công ty tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc”.

    Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1972, bảo vệ công ty Pomina 3) cho biết: “Khi nhận được tin báo là nguồn phóng xạ bị mất, ngay lập tức lãnh đạo đã ban hành nhiều giấy tờ, đồng thời ra các thông báo khác nhau, cho phát tờ rơi nhiều chỗ nhằm mục đích tìm kiếm nguồn phóng xạ nhanh nhất. Ngoài ra công ty còn cấp cho đội tìm kiếm thiết bị phóng xạ (gồm tám nhân viên chuyên trách), sử dụng các thiết bị rà xét phóng xạ hiện đại, mở rộng tìm kiếm xung quanh nhà máy cũng như các vùng lân cận”.

    phong-xa-bi-that-lac-2

    Hình ảnh thiết bị phóng xạ bị mất dán trên bản tin công ty Pomina 3 (ảnh Đ. Vượng).

    Tương tự, anh Trần Văn Trí (SN 1970, bảo vệ nhà máy Pomina 3) cho biết: “Để truy tìm ra nguồn phóng xạ bị thất lạc, mấy hôm nay ban giám đốc công ty thường xuyên đi họp trên tỉnh, cũng như liên hệ nhiều cơ quan ban ngành khác nhau nhằm hỗ trợ phục vụ cho công tác tìm kiếm có hiệu quả, mà an toàn, nên rất ít khi có mặt ở nhà máy. Nguồn phóng xạ này được cất giấu rất kỹ, nên ở nhà máy rất ít ai được biết. Nghe đâu nó có tác hại rất độc. Không những độc hại về sức khỏe, mà giá trị của nguồn phóng xạ trên cũng vô cùng lớn, ước tính lên tới hàng tỉ đồng”.

    Từ nhiều nguồn tin, ngày 1/4 phía công ty Pomina 3 đã gửi nhiều văn bản, đơn từ lên các cơ quan chức năng cấp trên về việc bị mất nguồn phóng xạ trong công ty, để có hướng giải quyết và giúp đỡ kịp thời. Ngày 3/4 sau khi nhận đơn báo mất nguồn phóng xạ của Nhà máy luyện phôi thép Pomina, bộ KH&CN và cục An toàn bức xạ hạt nhân đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để triển khai ngay các biện pháp tìm kiếm thu hồi nguồn phóng xạ bị mất. Đồng thời, đoàn chuyên gia của bộ KH&CN còn mang theo nhiều thiết bị dò tìm phóng xạ vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hỗ trợ tỉnh này truy tìm một cách nhanh nhất.

    Ngày 4/4, bộ KH&CN có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cục An toàn bức xạ hạt nhân nhằm triển khai ngay các biện pháp tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ bị mất. Nhà máy đã áp dụng nhiều hình thức tìm kiếm nhưng chưa tìm ra thiết bị phóng xạ bị thất lạc này. Sáng 6/4, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức cuộc họp khẩn cấp, để tìm ra giải pháp ứng phó về sự cố mất nguồn phóng xạ trên. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp vẫn chưa có manh mối nào về thiết bị thất lạc. Hiện nay, ông Hùng nhân viên phụ trách an toàn bức xạ cũ của nhà máy Pomina 3 đang trong quá trình bị đình chỉ việc, và có thái độ không hợp tác với ban Giám đốc của công ty cho nên việc tìm kiếm càng khó khăn hơn bao giờ hết.

    Bãi rác là… đích ngắm!

    Trao đổi với PV, chiều 7/4, ông Đỗ Vũ Khoa (Phó trưởng phòng An toàn bức xạ, sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Hiện tại, sở KH&CN đã phối hợp cùng công an và các ban ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm, rà soát trên địa bàn cả tỉnh, nhất là các khu vực phế liệu. Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục tuyên truyền để mọi người biết thêm thông tin về nguồn phóng xạ này, nếu thấy hay phát hiện gì mới thì kịp thời báo cho cơ quan chức năng để có hướng giải quyết nhanh nhất. Ngoài thông tin tuyên truyền vận động truy tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều thông tin rõ ràng về chuyện này, nên chưa thể cung cấp chính thức ra bên ngoài được”.

    Treo thưởng cho người tìm thấy nguồn phóng xạ

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Lê Thanh Dũng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Hiện, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn, cùng nhau phối hợp với đoàn công tác của bộ Khoa học & Công nghệ để tập trung cho việc thực hiện các biện pháp tìm kiếm nguồn phóng xạ của công ty thép Pomina 3. Đồng thời, thành lập tổ công tác thu hồi nguồn phóng xạ, triển khai công tác tìm kiếm, rà soát các điểm thu mua phế liệu trên toàn địa bàn…Trước mắt, chúng tôi đã thông báo rộng rãi hình ảnh nguồn phóng xạ bị mất, cảnh báo mức độ nguy hiểm trên các phương tiện thông tin để người dân được biết và thưởng cho người cung cấp thông tin để tìm thấy nguồn phóng xạ một cách nhanh chóng nhất”.

    Cũng theo ông Khoa, hiện Sở đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại khác nhau từ nhiều nơi báo về là đã phát hiện một vật thể, giống nguồn phóng xạ mà công ty Pomina 3 bị mất và tìm kiếm với trọng lượng khoảng 6- 7kg. Trong ngày 8/4, đoàn công tác của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một số cơ quan ban ngành khác đã trực tiếp ghi nhận và xác thực các thông tin này; tuy nhiên vẫn chưa có kết quả. “Một trong những đích ngắm của chúng tôi là mở rộng khu vực tìm kiếm đến các vựa ve chai tại địa bàn như TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương… Nhưng trên thực tế, chủ yếu vẫn là tìm kiếm ở khu vực nhà máy thép Pomina 3 và địa bàn huyện Tân Thành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vì đây là nơi xảy ra sự việc”, ông Khoa nói.

    “Ngoài ra, việc tìm kiếm sẽ được thông tin rộng rãi tới địa bàn thôn, xã trong tỉnh. Từ khi phát đi thông báo khẩn về tìm kiếm thiết bị phóng xạ bị thất lạc, tổ tìm kiếm đã thay phiên nhau trực để tiếp nhận tin báo từ các nơi. Trong ngày 8/4, các bên liên quan gồm: Đại diện cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Công an tỉnh, sở Khoa học - Công nghệ, sở Tài nguyên - Môi trường, sở Thông tin - Truyền thông, lãnh đạo nhà máy đã nhóm họp, lên phương án chi tiết cho cuộc tìm kiếm cụ thể và nhanh chóng nhất”, ông Khoa nói thêm.

    Ghi nhận thêm của PV tại sở KH&CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau khi phát động gửi thông báo tìm kím nguồn phóng xạ bị mất tại công ty thép Pomina 3, không ít người đã gọi về báo với nhiều nội dung và thông tin khác nhau. Trong đó, sáng 7/4, cơ quan này nhận được điện thoại từ đường dây nóng báo về từ người đàn ông tên Trần Văn Toàn, công nhân nhà máy xử lý rác Kabec, nói là có phát hiện một vật thể lạ giống với nguồn phóng xạ mà công ty Pomina 3 bị mất, nằm trong bãi rác.

    Từ nguồn tin báo này, ngay trong ngày 7/4, cơ quan chức năng đã đưa máy tới khu xử lý rác thải Tóc Tiên (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để dò tìm, nhưng sau gần một giờ đồng hồ vẫn không thấy kết quả gì. Nhận thấy việc tìm kiếm thiết bị nguồn phóng xạ còn gặp nhiều khó khăn, các cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn đang tích cực phối hợp điều tra; đồng thời, tiếp tục vận động tuyên truyền đến người dân, để công tác tìm kiếm đạt kết quả cao và nhanh chóng hơn.

    “Hiện, nguồn phóng xạ thất lạc được bao bọc bởi hệ thống vỏ. Nếu người dân vô tình nhặt được, phá bỏ lớp bên ngoài, thì phóng xạ sẽ bị phát tán, gây bỏng rộp da toàn thân. Ở khoảng cách tiếp xúc 10cm, phóng xạ có thể gây ra liều chiếu xạ khoảng 2,5 mSv/giờ (liều chiếu xạ cho phép đối với một người bình thường trong một năm là 1 mSv) nên sẽ rất nguy hiểm. Nguy hiểm hơn, phóng xạ rò rỉ sẽ tác động đến quá trình hình thành, phát triển các loại bệnh ung thư cho người tiếp xúc”, ông Khoa cảnh báo.

    Thiết bị phóng xạ có thể gây ung thư

    Theo cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ, tất cả các bức xạ ion hóa, bao gồm Coban (Co-60) đều có thể gây ung thư. Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe tùy thuộc thời gian phơi nhiễm, khoảng cách tiếp xúc từ nguồn hoặc điều kiện tiếp xúc (qua tiêu hóa hay hít vào). Coban là nguồn phát tia gamma, nên phơi nhiễm bên ngoài với một nguồn lớn Coban có thể gây bỏng da, hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính hoặc tử vong. Hầu hết Coban đều được thải qua phân, tuy nhiên một lượng nhỏ vẫn được gan, thận và xương hấp thụ và có thể gây ung thư.

    phong-xa-bi-that-lac-4

    Anh Tuấn (phải) – nhân viên bảo vệ công ty Pomina 3 đang trình bày với PV (ảnh Q. Thy).

    Theo thông tin tìm hiểu, Coban là chất có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học. Ở dạng hợp chất phóng xạ, kim loại này có đặc tính tạo ra bụi mịn, gây ra vấn đề về bảo vệ bức xạ. Nguồn Coban hữu dụng trong vòng khoảng 5 năm, nhưng ngay cả sau thời điểm này, mức độ phóng xạ vẫn rất cao. Vì vậy máy móc dùng Coban đã không còn được sử dụng rộng rãi ở các nước phương Tây. Một số mô hình vũ khí hạt nhân có chủ ý gia tăng lượng Coban phát tán dưới hình thức bụi phóng xạ nguyên tử – nên có khi người ta gọi đó là bom bẩn hoặc bom Coban.

    Nhiều sinh vật sống (kể cả người - PV), phải cần đến một lượng nhỏ Coban trong cơ thể để tồn tại. Nếu cho vào đất một lượng nhỏ Coban  từ 0.13-0.30 mg/kg, sẽ làm tăng sức khỏe của những động vật ăn cỏ. Coban là một thành phần trung tâm của vitamin cobalamin, hoặc vitamin B-12.  Tên gọi Coban (cobalt) có xuất xứ từ tiếng Đức kobalt hoặc kobold, nghĩa là linh hồn của quỷ dữ. Tên này do những người thợ mỏ đặt ra, vì nó mang tính độc hại, gây ô nhiễm môi trường, và làm giảm giá trị những kim loại khác.

    Ngoài ra, là nguồn phát ra tia gama, đồng vị phóng xạ Coban một khi xâm nhập vào cơ thể động vật có vú (như con người), một số sẽ được bài tiết qua phân và nước tiểu, phần còn lại sẽ được hấp thụ bởi gan, thận và xương, do đó sẽ là nguyên nhân gây ra ung thư. Việc nhiễm xạ ngoại chiếu với một nguồn lớn Coban có thể gây bỏng da, hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, đi kèm với mức độ nguy hiểm đã nêu trên, thì giá trị của nguồn phóng xạ là vô cùng lớn, lên tới con số nhiều tỉ Việt Nam đồng.

    Ba người Thái từng tử vong vì nhiễm xạ

    Theo một báo cáo từ cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đồng vị Coban chứa trong nguồn phóng xạ vừa bị mất tại Vũng Tàu từng làm 3 người Thái Lan thiệt mạng vì nhiễm độc trong năm 2000. Theo tài liệu này, một nguồn phóng xạ chứa đồng vị Coban tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan) cho biết, vào năm 2000 từng bị nhầm là sắt vụn và bán cho người thu mua ve chai về để sử dụng.

    Những người này sau đó đã tháo nguồn phóng xạ và bị nhiễm độc, 3 trong tổng số 10 người nhiễm độc nặng nhất đã thiệt mạng tại chỗ. Nghiên cứu về phóng xạ cho thấy: Khi đi vào cơ thể người, đồng vị Coban lan vào các mô gan, thận, xương; phát ra bức xạ gamma gây ung thư chết người. Nếu để da tiếp xúc với Coban sẽ bị bỏng nặng, lở loét… Trong tự nhiên không tồn tại đồng vị Coban, chúng được sản xuất nhân tạo trong lò phản ứng hạt nhân. Về lý thuyết, thì Coban được dùng để sản xuất một loại bom hạt nhân cực kỳ nguy hiểm, giống với bom nguyên tử.

    Lơ là quản lý chất phóng xạ

    Ngay sau khi thông tin về việc mất nguồn phóng xạ tại công ty thép pomina 3, (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp đột xuất, nhằm liên quan đến việc quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn cho thiết bị chứa nguồn phóng xạ trên địa bàn thành phố. Sở dĩ có cuộc họp đột xuất như vậy là vì, TP.HCM là nơi từng xảy ra mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân dùng trong công nghiệp của công ty TNHH Apave Châu Á - Thái Bình Dương chi nhánh TP.HCM vào ngày 15/9/2014. Bốn ngày sau, thiết bị may mắn được tìm ra ở khu vực đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú).

    Thông báo việc truy tìm phóng xạ bị thất lạc tại công ty Pomina 3 (ảnh Q. Thy).

    Được biết, ngay khi xảy ra sự việc mất thiết bị phóng xạ, UBND TP.HCM đã yêu cầu sở KH&CN phối hợp cùng trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC, thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) khảo sát và lắp đặt thiết bị định vị vào từng thiết bị chứa nguồn phóng xạ để quản lý, theo dõi. Nhưng cho đến cuộc họp diễn ra vào sáng 7/4, việc này vẫn chưa được các đơn vị liên quan thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.

    Trước tình hình này, ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu sở KH&CN và ICDREC ngay trong ngày 8/4 phải đến từng địa chỉ cụ thể và gắn thiết bị định vị. “Để thiết bị lang thang ngoài đường là còn hơn quả bom, mất thiết bị phóng xạ nữa thì còn làm ăn gì đây. Nguy hiểm nguồn phóng xạ nếu thất lạc mới là quan trọng, vì để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì tiền đâu mà lo cho đủ”, ông Hà nói.

    Theo thống kê, thì cho đến thời điểm hiện tại trên toàn địa bàn TP.HCM có hơn 200 thiết bị chứa nguồn phóng xạ của các đơn vị khác nhau, trong đó có 124 thiết bị phóng xạ di động (thường xuyên được di chuyển trong quá trình sử dụng).

    ĐỨC VƯỢNG – QUỲNH THY


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-nguon-phong-xa-bi-mat-3-nguoi-tung-tu-vong-vi-nhiem-xa-a90547.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan