+Aa-
    Zalo

    Bệnh viện Kiến An (Hải Phòng): Đấu thầu đúng quy trình, gói thầu chênh cao hơn giá nhập khẩu gần 30%

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đại diện bệnh viện Kiến An khẳng định gói thầu đã làm đúng quy trình, nhưng qua kênh tham khảo của PV cho thấy, nhiều sản phẩm được mua sắm cao hơn giá nhập khẩu, chênh lệch gần 30% so với tổng giá trị gói thầu hơn 11,8 tỷ đồng.

    Chênh lệch giá đã đúng và đủ?

    Được biết, bệnh viện Kiến An thành lập năm 1995, đến năm 2008 thì được UBND thành phố công nhận là bệnh viện đa khoa hạng I, trở thành một trong những cơ sở khám chữa bệnh lớn nhất Hải Phòng cùng đội ngũ nhân viên y tế có y đức và trình độ chuyên môn cao.

    benh vien kien an hai phong
    8/13 sản phẩm, hàng hóa có trong gói thầu do bệnh viện Kiến An phê duyệt lựa chọn nhà thầu có giá cao hơn nhiều giá nhập khẩu.

    Với quy mô lớn như vậy, hoạt động đấu thầu mua sắm, bảo dưỡng, nâng cấp thiết bị, vật tư y tế hàng năm là việc mà bệnh viện luôn đẩy mạnh thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của người dân. Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, bệnh viện Kiến An đã công bố kết quả của 308 gói thầu, giá trị hàng chục tỷ đồng.

    kien an 1
    Dữ liệu của bệnh viện Kiến An trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. (Ảnh chụp màn hình ngày 30/11/2023).

    Qua chuyên đề nghiên cứu, tìm hiểu về Luật Đấu thầu và công tác mua sắm công tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có bệnh viện Kiến An, phóng viên (PV) tạp chí Đời sống và Pháp luật nhận thấy vẫn còn tồn tại thực trạng chênh lệch giá gói thầu so với giá nhập khẩu ở mức cao.

    Cụ thể, ngày 9/3/2023, Giám đốc Nguyễn Bá Phước phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho “Gói số 1: Mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ chuyên khoa Lọc máu năm 2022-2023 của Bệnh viện Kiến An gồm 18 lô vật tư y tế” theo Quyết định số 326/QĐ-BVKA.

    Liên danh 9 thành viên (bao gồm: công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) - công ty TNHH Gendis - công ty TNHH Thương mại sản xuất Thiên Ấn - công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đức An - công ty TNHH Thiết bị công nghệ kỹ thuật cao Hà Anh Anh - công ty TNHH Dược phẩm và Thương mại Phú Tài - công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) trúng gói thầu với giá 11.815.036.160 đồng (hơn 11,8 tỷ đồng).

    Trong 9 thành viên trúng gói thầu trên, nổi bật có những nhà thầu “ruột” của bệnh viện Kiến An như CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR), công ty TNHH Gendis...

    Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, công ty BIDIPHAR (MST: 4100259564; Địa chỉ: số 498 Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đã đấu thầu và trúng 25/25 gói do bệnh viện Kiến An làm chủ đầu tư. Trong lịch sử đấu thầu của công ty, BIDIPHAR đã tham gia 1.187 gói thầu, trúng 996 gói với tổng giá trị 1.204.221.005.492 đồng (hơn 1,2 nghìn tỷ đồng).

    Tương tự, công ty TNHH Gendis (MST: 0101203969; Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà Prime Centre, 53 Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã trúng 18/19 gói tại bệnh viện Kiến An, trong đó có 1 gói chưa có kết quả.

    Ngoài ra, công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đức An (MST: 0106841059; Địa chỉ: số 3, phố Vĩnh Hồ, phường Ngã Tư Sở, quận Đống đa, Hà Nội) cũng đã tham gia đấu thầu tại bệnh viện Kiến An và trúng 10/11 gói, trong đó 1 gói chưa có kết quả.

    kien an 2
    Ông Nguyễn Bá Phước đã ký Quyết định số 326/QĐ-BVKA phê duyệt lựa chọn nhà thầu cho gói thầu giá trị hơn 11,8 tỷ đồng.

    Khi nghiên cứu ngẫu nhiên đơn giá của 8/13 sản phẩm, hàng hóa có trong gói thầu, PV thấy chênh lệch tổng số tiền là 3.004.156.706 đồng (hơn 3 tỷ đồng) so với giá nhập khẩu. Cần nói rõ rằng, mức giá PV đưa ra để so sánh đã bao gồm thuế nhập khẩu theo mã HS của sản phẩm.

    Có thể ví dụ như quả lọc thận nhân tạo của hãng Nipro Corporation Odate Factory, bệnh viện Kiến An đã mua với giá 336.000 đồng/quả (kí hiệu SUREFLUX-13E, Nhật Bản) và 288.981 đồng/quả (kí hiệu Polypure 16 M, Đức). Còn theo thông tin PV tìm hiểu, 2 sản phẩm này từng được nhập khẩu về Việt Nam vào cuối năm 2022 với giá tương ứng là 169.411 đồng/quả và 142.656 đồng/quả. Với nhu cầu mua sắm 10.500 quả (tổng cả hai loại), chủ đầu tư có thể đã phải chi cao hơn mức giá nhập khẩu tới hơn 1,6 tỷ đồng.

    Tương tự, bộ quả lọc máu liên tục có gắn heparin của Gambro Industries (Pháp), giá nhập khẩu 5.041.353 đồng/bộ. Tuy nhiên, công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông đã cung cấp cho chủ đầu tư với giá 17.100.000 đồng/bộ, gấp 3 lần. Số tiền chênh lệch lên tới hơn 600 triệu đồng so với giá nhập khẩu ở riêng mã hàng này.

    kien an 3
    Tổng số tiền chênh lệch so với giá nhập khẩu của 8 sản phẩm lên tới hơn 3 tỷ đồng.

    Trên thực tế, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho chủ đầu tư cũng phải đảm bảo bài toán về lợi nhuận trong kinh doanh. Thêm nữa, nhiều mức phụ phí khác cũng cần tính đến như linh phụ kiện đi kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, chi phí kho bãi, vận chuyển... Thế nhưng, 3 tỷ đồng là một con số không nhỏ và rất đáng để suy ngẫm.

    Chủ đầu tư sẽ làm việc lại với nhà thầu

    Giải đáp những thắc mắc về mức giá chênh lệch nêu trên, bà Nguyễn Thị Xuân (Trưởng phòng Tài chính kế toán của bệnh viện Kiến An) cho rằng, tờ khai hải quan chỉ là giá vận chuyển đến Việt Nam, còn toàn bộ chi phí lợi nhuận, kho bãi… thì chưa có. Phía bệnh viện chỉ tham khảo giá mà các đơn vị cung cấp chứ không thể tìm hiểu được giá nhập khẩu.

    “Chúng tôi sẽ làm việc lại với nhà thầu trúng thầu, yêu cầu họ cung cấp toàn bộ hồ sơ hải quan và những chi phí khác để làm rõ cơ sở xây dựng nên mức giá sản phẩm trong gói thầu”, bà Xuân nói.

    Khi PV đặt câu hỏi về căn cứ xây dựng giá dự toán, vị Trưởng phòng cho biết bệnh viện đã tổ chức đấu thầu theo đúng thủ tục, quy trình. Dựa trên Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư 58/2016/TT-BTC làm cơ sở, phía bệnh viện lấy 2 yếu tố: báo giá từ các công ty cung cấp và cổng thông tin của bộ Y tế để tìm kết quả trúng thầu trong 12 tháng gần nhất.

    “Còn về chứng thư thẩm định giá, bệnh viện đã bỏ qua bước này. Tại thời điểm đấy, bệnh viện cũng đã gửi đi thẩm định rồi nhưng tất cả các đơn vị tư vấn, thẩm định giá đều không dám làm, nhất là sau vụ Việt Á. Thậm chí đến bây giờ người ta vẫn còn dè dặt”,  bà Xuân chia sẻ thêm.

    Từng trao đổi với PV xung quanh vấn đề chênh lệch giá gói thầu cao hơn giá thị trường hay giá nhập khẩu, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị thì điều quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu. Người đứng đầu quyết liệt, trung thực, thẳng thắn, công minh thì sẽ không bao giờ có chuyện tiêu cực xảy ra tại nơi mà mình quản lý".

    "Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra, chất lượng sản phẩm có tương đương mức giá hay không, sản phẩm, thiết bị tương tự được mua sắm ở các đơn vị, địa phương khác thế nào… trước khi lựa chọn nhà thầu. Không chỉ là sản phẩm trong nước mà sản phẩm nhập ngoại cũng có thể dễ dàng kiểm tra”, bà An nêu quan điểm cá nhân.

    Ngọc Bảo - Thuận Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-vien-kien-an-hai-phong-dau-thau-dung-quy-trinh-goi-thau-chenh-cao-hon-gia-nhap-khau-gan-30-a606852.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan