+Aa-
    Zalo

    Độc đáo phong tục đón Tết của người Lô Lô tỉnh Cao Bằng

    ĐS&PL Trước thềm năm mới, người Lô Lô sẽ kiếm sẵn một khúc củi lớn để đun trong vài ngày Tết và sáng sớm mồng Một đi gánh nước đầu nguồn về đun, cầu một năm mưa thuận gió hòa.

    Trước thềm năm mới, người Lô Lô sẽ kiếm sẵn một khúc củi lớn để đun trong vài ngày Tết và sáng sớm mồng Một đi gánh nước đầu nguồn về đun, cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình êm ấm. Tập tục này đã có từ ngàn đời, trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Lô Lô.

    Đường vào Khuổi Khon là đường đất, dốc cheo leo, việc di chuyển rất khó khăn

    Xuân về trên bản

    Làng văn hóa cộng đồng Khuổi Khon nằm tại địa phận xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Đi từ thị trấn Bảo Lạc lên Khuổi Khon mất bốn mươi phút chạy xe với quãng đường gần 20km. Khó để đi sâu vào bản, đường đất đá, dốc khúc khủyu cheo leo bên vực thẳm.

    Xe máy phải về số 1 mới có thể bò lên đỉnh núi. Con xe ì ạch, gầm máy nhích từng chút một. Đường đến Khuổi Khon không dành cho khách ngại khó khăn, sợ bụi bẩn. Mùa mưa thì việc di chuyển của người dân hết sức khó khăn. Bùn lầy bám kín bánh xe, xe máy không nhúc nhích được, chỉ còn cách xuống dắt bộ.

    Ngôi nhà sàn của người dân tộc Lô Lô.

    Xuân chớm nở trên rẻo cao, càng lên cao, thời tiết càng trở nên lạnh giá. Bầu trời trong, cao bát ngát, một lớp sương trắng sữa mờ mờ bao tỏa. Cái lạnh không khiến con người chùn bước, mòn chân.

    Những cô gái xinh đẹp, duyên dáng đi từng nhóm tíu tít trò chuyện, trên vai có một chiếc gùi chứa thực phẩm hoặc củi khô. Đôi mắt các cô to tròn, long lanh như những giọt sương mai, làn da trắng muốt, mịn màng. Những đứa trẻ chân đất, mặt mũi lấm lem dồn đuổi nhau trên bãi đất trống, chúng hò hét làm rộn một góc trời.

    Những ngôi nhà sàn cách nhau rất xa.

    Nắng xuân ửng vàng, lấp ló sau những dãy núi hùng vĩ. Những khúm cây dại rung rinh trong gió như muốn reo vui với đất trời. Ruộng bậc thang hanh vàng, còn chỏng chơ những gốc rạ héo úa. Ra Tết, bà con nơi đây mới bắt tay vào trồng mùa vụ mới.

    Tiếng chim ca líu lo, tiếng suối chảy róc rách xa xa như khúc ca báo hiệu xuân đã về trên bản. Trên cái sào mỗi căn nhà sàn và xung quanh mỏm đá thấp thoáng những bộ quần áo dân tộc Lô Lô sặc sỡ. Tiếng khung cửi dệt vải của các bà, các mẹ lại dập dình từng nhịp một. Không ồn ào, không náo nhiệt nhưng trong lòng ai cũng vui vẻ, hồ hởi, ngóng chờ Tết gõ cửa gọi tên.

    Người Lô Lô chuẩn bị gì để đón Tết?

    Dân tộc Lô Lô là dân tộc thiểu số thuộc thôn Khuổi Khon. Hiện tại, trong bản có hơn 70 hộ gia đình gồm vài trăm người sinh sống. Vì là dân tộc ít người, có nguy cơ bị mai một nên chính quyền tỉnh Cao Bằng dành sự quan tâm đặc biệt cho dân tộc Lô Lô, trong đó có việc bảo tồn và phát triển bản sắc riêng.

    Trước Tết, người phụ nữ cần may trang phục truyền thống cho cả gia đình.

    Gặt xong vụ lúa, người dân nơi đây rạo rực không khí chuẩn bị đón Tết. Đàn ông sửa sang, gia cố lại nhà cửa, xuống chợ phiên Bảo Lạc mua tranh ảnh, đồ trang trí về treo. Cả một năm làm việc vất vả, họ mong muốn cái Tết được sum vầy, trọn vẹn bên nhau nên việc chuẩn bị đồ rất kỹ lưỡng. Còn đàn bà sẽ có nhiệm vụ may quần áo cho cả gia đình. Điều đặc biệt, mỗi người chỉ có một bộ duy nhất. Phụ nữ Lô Lô tự nuôi tằm lấy tơ, dệt vải, thêu hoa văn thủ công lên quần áo.

    Trang phục dân tộc Lô Lô đơn giản mà lại độc đáo. Đàn ông gồm chiếc áo tay dài màu đen, quần xanh than nhạt. Phụ nữ lại cầu kỳ hơn nhiều, gồm quần thụng, áo tay dài, vải cuốn ngang người, khăn đội đầu.

    Khăn đội đầu của phụ nữ được cuốn cẩn trọng, tỉ mỉ và chỉ có phụ nữ Lô Lô mới biết cách cuốn khăn. Áo các cô gái Lô Lô ngắn nên mọi người vẫn thường đùa con gái ở đây quyến rũ và không sợ lạnh giá mùa đông.

    Sáng sớm mồng Một, người Lô Lô có tục gánh nước đầu nguồn về đun nấu, tắm rửa.

    Từ trước 30 Tết, người đàn ông sẽ lên rừng tìm một khúc củi lớn. Khúc củi đó được gọi là “pỏ phầy” (vua bếp), dùng để đun liên tục trong vài ngày Tết. Điều đặc biệt là mọi người trong nhà không được để củi tắt lửa, củi phải cháy hoặc âm ỉ hồng than trong vài ngày. Như vậy “vua bếp” mới giúp gia đình có cuộc sống no đủ, đầm ấm, hạnh phúc.

    Sớm mồng Một, các thành viên sẽ quây quần bên bếp lửa, kiểm tra đầu củi cháy thành hình gì. Nếu củi cháy thành hình tròn thì năm đấy sẽ nuôi lợn tốt. Còn củi cháy thành hình nhọn thì sẽ nuôi gà tốt. Khúc củi sẽ được đun đến khi còn một đoạn ngắn thì giữ lại. Đến Tết đắp nọi sẽ đem ra đun nốt, đánh dấu khép lại những ngày xuân, bắt đầu công việc sang năm mới.    

    Cũng như dân tộc Tày, dân tộc Nùng, dân tộc Lô Lô cũng có tục lấy nước vào ngày đầu năm. Gà gáy sớm mồng một, thành viên trong gia đình sẽ thắp hương, khấn vái tổ tiên rồi để một nén hương trước cửa. Sau đó, họ gánh xô ra con suối gần đó lấy nước.

    Trên đường đi về, họ không được đặt xô nước xuống, không được chào hỏi ai vì sẽ khiến hồn nước sợ. Nước suối đó để rửa mặt, rửa tay chân và đun nước uống. Người Lô Lô quan niệm rằng điều đó giúp họ tỉnh táo, mạnh khỏe, trẻ con thông minh hơn. Phần nước còn lại đem cho vật nuôi uống để béo, khỏe hơn. Đặc biệt, sớm năm mới, người Lô Lô sẽ gọi vật nuôi thức dậy, họ coi chúng như người bạn, giúp họ công việc đồng áng hằng ngày.

    Một người phụ nữ Lô Lô đang chơi yến.

    Trong suốt ba ngày Tết, người Lô Lô không mở cửa. Khách đến chơi nhà ra vào cũng phải chú ý khép cửa lại. Chủ nhà sẽ treo “xì pèng” ngoài cửa và chọn giờ đẹp mở cửa đón không khí xuân. “Xì pèng” là loại cây dại mọc trên núi, được mang về phơi khô, mang ý nghĩa cầu sự may mắn, an lành. Điều tối kỵ trong những ngày đầu xuân là: Không sát sinh con vật, không cãi cọ, tránh làm vỡ đồ và hoạt động mạnh.

    Mâm cơm cúng không thể thiếu ba loại bánh: Bánh chưng, bánh tròn và bánh lưng gù. Người Lô Lô sẽ mang hết vật dụng làm nông, đồ dùng bếp bày ở góc nhà. Sau đó, mang các loại bánh ra đặt trước phía trước, cảm tạ các vật dụng đã đồng hành với họ. Mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau chơi yến, đánh sảng trong bầu không khí náo nhiệt, sum vầy bên nhau.

    Trong những ngày đầu năm, "xì pèng" được đặt trước cửa nhà để cầu bình an, may mắn.

    Anh Na Văn Chương – Công an viên tại Khuổi Khon hồ hởi chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Cha truyền con nối, ngàn đời nay vẫn duy trì nếp văn hóa mà cha ông để lại. Đó là bản sắc dân tộc riêng của người Lô Lô cần được giữ gìn và phát huy. Còn đối với bản thân tôi, Tết năm nay gia đình có một niềm vui lớn.

    Trong năm, hai vợ chồng tôi có điều kiện tổ chức đám cưới sau 15 năm chung sống. Mùa xuân năm nay, với gia đình tôi ý nghĩa biết bao!”. Ngồi bên bếp lửa, vợ anh Chương – người phụ nữ Lô Lô không nói được tiếng Kinh, chỉ lắng nghe và nở nụ cười hạnh phúc.

    Phong tục tập quán đón Tết của người dân tộc Lô Lô thú vị, đặc sắc với ý nghĩa cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, ấm no. Xuân về trên rẻo cao, mang bao ước vọng, khát khao của người Lô Lô về một cuộc sống bình dị, an yên.

    Ứng Hà Chi
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-phong-tuc-don-tet-cua-nguoi-lo-lo-tinh-cao-bang-a350018.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan