+Aa-
    Zalo

    Hoài Đức - Hà Nội: Loay hoay xử lý nhà xưởng xây dựng trái phép, vi phạm phòng cháy chữa cháy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Hoài Đức, TP Hà Nội xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thực trạng diễn ra nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay xử lý.

    Hàng loạt vi phạm

    Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đang tồn tại rất nhiều nhà xưởng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhiều vi phạm về PCCC. Cá biệt, rất nhiều nhà xưởng của các cá nhân, doanh nghiệp không chỉ ngó lơ “bà hỏa” mà còn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

    Đơn cử tại xã Kim Chung, thống kê sơ bộ cho thấy có tới 7 hộ kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm PCCC. Cụ thể như: Công ty Cổ phần Sơn liên doanh APT Việt Nam (thôn Đại Tự) xây dựng trái phép trên 1.200m2 diện tích đất nông nghiệp, nhà xưởng chưa trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy, không có khoảng cách với công trình lân cận. Tương tự, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Việt Mỹ (thôn Đại Tự) xây dựng trái phép trên diện tích 1.000m2, không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, họng nước chữa cháy tự động.

    lf2
    Bên trong thôn Đại Tự nhà xưởng vô tư hoạt động, bên trên dây điện chằng chịt.

    Tình trạng tương tự lặp lại ở một số cá nhân, doanh nghiệp khác tại thôn Đại Tự, như: Công ty TNHH kim khí và nội thất Xuân Hòa (diện tích 1.000m2); Hộ kinh doanh bao bì Nguyễn Thị Tỵ (diện tích 3.000m2); Công ty TNHH in Minh Loan (diện tích 3.000m2); Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hòa (diện tích 1.000m2); Chi nhánh Công ty TNHH DVTM Việt Anh (thôn Yên Vĩnh diện tích 3.000m2)...

    Theo tìm hiểu của PV, thôn Đại Tự vốn đã được gọi là “Cụm công nghiệp Đại Tự” từ rất nhiều năm nay nhưng thực chất chưa đầy đủ các văn bản pháp lý liên quan, quá trình hoạt động còn tồn tại, phát sinh nhiều vấn đề về cảnh quan, môi trường. Ghi nhận của PV bên trong thôn Đại Tự nhà xưởng mọc san sát, máy móc hoạt động ầm ĩ, phía ngoài giáp với nghĩa trang nhân dân là những mái tôn còn rất mới.

    lf3
    Một xưởng mái tôn còn rất mới sát nghĩa trang thôn Đại Tự.

    Tương tự như xã Kim Chung, tại xã Dương Liễu theo thống kê ít nhất 12 cá nhân doanh nghiệp xây dựng trên đất nông nghiệp, không trang bị hệ thống PCCC, hoặc hệ thống PCCC không đảm bảo. Có thể kể đến như: Công ty TNHH bao bì Tùng Dương (khu Đồng Bưởi), diện tích xây dựng 2.000m2; Công ty TNHH Thực phẩm ULA Việt Nam, diện tích 2.000m2; Công ty thực phẩm 19-8, diện tích diện tích 1.000m2; Công ty Cổ phần TM&SX thực Kico, diện tích 2.000m2; Công ty TNHH sản xuất kinh doanh Plastic Bình Minh, diện tích 1.000m2...

    Thống kê cũng cho thấy, ngoài 2 xã nêu trên trên địa bàn huyện Hoài Đức tồn tại nhiều doanh nhiệp chưa tuân thủ quy định của Pháp luật về PCCC.

    Khó xử lý?!

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Phạm Ngọc Lê, Chủ tịch UBND xã Kim Chung thừa nhận thực trạng doanh nghiệp, cá nhân vi phạm xây dựng, PCCC. Về góc độ cơ quan quản lý, ông Lê “than” khó xử lý đối với những vi phạm PCCC vì nhìn đâu cũng vướng. Thẩm quyền xử lý thuộc UBND huyện, UBND xã chỉ phối hợp và việc này chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền.

     “Định kỳ UBND xã giao các bộ phận liên quan kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu Công ty điện lực Hoài Đức có biện pháp đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm”, ông Lê nói.

    Theo ông Lê, do chế tài xử lý chưa đầy đủ và còn yếu, cụ thể là tại Nghị định 136 (Nghị định 136/2020/NĐ- CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC – PV) chưa phân quyền cho UBND cấp xã đối với việc xử lý vi phạm PCCC cấp cơ sở. Do vậy UBND xã chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền.

    “Thẩm quyền của UBND xã là thế nhưng khi xảy ra sự cố, cháy nổ thì trách nhiệm lại thuộc về người đứng đầu, việc này gây không ít áp lực, khó khăn cho quá trình quản lý Nhà nước tại cấp xã”, ông Lê phân trần.

    lf4
    Nhà xưởng lụp xụp bên trong thôn Đại Tự

    Về việc khắc phục những vi phạm đối với một số cá nhân, doanh nghiệp mà Phóng viên nêu, ông Lê cho hay, doanh nghiệp vi phạm PCCC là tồn tại cũ (từ 2008), việc khắc phục sai phạm, thiếu sót trong PCCC là rất khó vì nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là trang thiết bị quá đắt so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp, thứ 2 là việc cải tạo, xây dựng mới cho đúng tiêu chuẩn kỹ thuật tốn không ít tiền đầu tư. Chính vì lý do này nhiều doanh nghiệp, cá nhân “chây ì” không khắc phục, hoàn thiện hệ thống PCCC.

    Liên quan tới thực trạng này, trao đổi Công ty Điện lực Hoài Đức cho biết, tại xã Dương Liễu Công ty đang thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu và một phần khách hàng sử dụng điện tại xã Kim Chung, xã Minh Khai.

    Hợp đồng căn cứ tại Luật Thương Mại ngày 14/06/2005 và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Điện lực ngày 03/12/2004, luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện lực.

    lf5
    Trụ sở Công ty điện lực Hoài Đức.

    Đại diện Công ty Điện lực Hoài Đức khẳng định việc ký hợp đồng mua bán điện một phần khách hàng sử dụng điện tại xã Kim Chung và các khách hàng sử dụng điện tại xã Minh Khai là đúng quy định của pháp luật.

    Hiện tại Công ty không ký hợp đồng cấp điện mới cho các khách hàng có đất nông nghiệp để sử dụng làm nhà xưởng và đang tiến hành thực hiện ký lại hợp đồng mua bán điện ngắn hạn đối với các khách hàng.

    Về việc cắt điện đối với trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, PCCC; Công ty điện lực Hoài Đức cho cho rằng, Bộ Công Thương đã có văn bản số 4608/BCT-ĐTĐL về việc hướng dẫn ngừng cấp điện của Luật Xây dựng, hướng dẫn “Để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Xây dựng năm 2014, các đơn vị  điện lực không thực hiện ngừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Xây dựng tại khoản 3 điều 7 thông tư 30/2013/TT-BCT.

    Về việc ngừng cấp điện cho cơ sở không đảm an toàn PCCC, không có cơ sở pháp lý để ngừng cấp điện đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC đã bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động, theo Điện lực Hoài Đức, điều này đã được chỉ ra tại văn bản số 14/KL-BCA-X05 của Bộ Công an ngày 10/7/2020 kết luận việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC đối với UBND TP Hà Nội.

    “Công ty luôn sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tạm ngừng cấp điện để đảm bảo an toàn khi tiến hành cưỡng chế các công trình vi phạm”, đại diện Công ty Điện lực Hoài Đức cho biết thêm.

    Phú Nguyễn – Hoàng Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoai-duc-ha-noi-loay-hoay-xu-ly-nha-xuong-xay-dung-trai-phep-vi-pham-phong-chay-chua-chay-a616221.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.