+Aa-
    Zalo

    Vì sao nhiều phi công dân sự Mỹ từ chối trở thành cơ trưởng dù được trả lương cao?

    (ĐS&PL) - Các nhà phân tích và quan chức Mỹ nhận định, tình trạng thiếu cơ trưởng có thể khiến số lượng chuyến bay dành cho khách du lịch vào mùa hè tới bị cắt giảm.

    Theo Reuters, cơ phó Phil Anderson của hãng hàng không United Airlines từ chối cơ hội thăng chức thành cơ trưởng vì không muốn làm việc với lịch trình không thể đoán trước, dù công việc này có mức lương hậu hĩnh.

    Được biết, Anderson chỉ là một trong số nhiều nhân viên của United Airlines bỏ qua cơ hội thăng chức cơ trưởng. Các nhà phân tích và quan chức nhận định, tình trạng thiếu cơ trưởng, người đóng vai trò là phi công chính, có thế khiến số lượng chuyến bay dành cho du khách vào mùa hè tới bị cắt giảm. Một quan chức trong ngành gọi đây là “hội chứng không ai muốn trở thành cơ trưởng cấp thấp”.

    Ông Robert Mann, cựu giám đốc điều hành United Airlines, hiện điều hành một công ty tư vấn cho hay, một số hãng hàng không nhỏ hơn trong khu vực đã buộc phải giảm 20% số lượng chuyến bay do thiếu hụt nhân sự.

    Nếu các phi công “né” ghế cơ trưởng, ông Robert cảnh báo các hãng hàng không như United Airlines có thể phải đối mặt với vấn đề tương tự ngay cả khi mọi người đi du lịch nhiều hơn. “Bạn không thể bay với 2 cơ phó được, phải có một cơ trưởng”, ông Robert nói.

    Reuters thông tin, tình trạng nói trên không chỉ xảy ra với hãng hàng không United Airlines. Dữ liệu do công đoàn cung cấp cho thấy, hơn 7.000 phi công của hãng hàng không American Airlines chọn không tiếp nhận công việc cơ trưởng. Theo Dennis Tajer, phát ngôn viên của Hiệp hội phi công Mỹ, số lượng phi công từ chối thăng chức ít nhất đã tăng gấp đôi trong 7 năm qua.

    Cơ phó có nhiệm vụ làm hoa tiêu và điều hành các chuyến bay nhưng cơ trưởng là phi công chỉ huy máy bay, chịu trách nhiệm về sự an toàn của phương tiện. Hai công việc này thuộc hai phạm trù khác nhau và có mức lương khác nhau.

    vi sao nhieu phi cong dan su my tu choi tro thanh co truong du duoc tra luong cao
    Phát ngôn viên của Hiệp hội phi công Mỹ Dennis Tajer cho hay, số lượng phi công từ chối thăng chức ít nhất đã tăng gấp đôi trong 7 năm qua. Ảnh minh họa: Reuters

    Tại United Airlines, các hồ sơ mời ứng viên cho 978 vị trí cơ trưởng, tương đương khoảng 50% vị trí tuyển dụng được đăng, không thể tuyển đủ trong năm 2022. Hãng hàng không có trụ sở tại Chicago hiện có khoảng 5.900 cơ trưởng và 7.500 cơ phó.

    Các hãng hàng không có xu hướng bắt đầu đàu tạo cơ trưởng sau đợt cao điểm du lịch mùa hè. United Airlines đã tìm cách khuyến khích các phi công trở thành cơ trưởng cấp thấp với thỏa thuận bao gồm các điều khoản như trả phí bảo hiểm, nghỉ nhiều ngày hơn, hạn chế đối với một số nhiệm vụ không tự nguyện và dự bị. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn cần được hoàn thiện và phê chuẩn.

    Theo đánh giá của Garth Thompson, người đứng đầu công đoàn phi công của United Airlines, thỏa thuận nói trên sẽ có tác động lớn, đảm bảo hãng có đủ nhân sự giữ vai trò cơ trưởng cho năm 2024 và những năm tiếp theo.

    Giám đốc điều hành Scott Kirby cho biết thỏa thuận này sẽ đem đến những sự cải thiện chất lượng cuộc sống có ý nghĩa đối với các phi công. Thế nhưng, một số phi công nói rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của thỏa thuận, ngay cả khi họ gọi những thay đổi được đề xuất là cải tiến lớn.

    Nhiều phi công tại United Airlines chia sẻ với Reuters rằng, các cơ phó làm việc lâu năm từ chối thăng chức do họ không muốn từ bỏ thâm niên trong hạng mục công việc hiện tại để trở thành cơ trưởng mới, đối mặt với nguy cơ cuộc sống cá nhân bị xáo trộn nhiều hơn.

    Theo các quy tắc làm việc hiện hành, các phi công tiết lộ họ có thể bị buộc phải nhận nhiệm vụ một cách không tự nguyện vào các ngày nghỉ, đồng thời các chuyến đi có thể được thay đổi hoặc tùy ý kéo dài.

    Thâm niên mang đến cho phi công một số sự chắc chắn về lịch trình vì họ được phép lựa chọn và trao đổi các chuyến đi, cũng như lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ. Sự thay đổi về loại công việc, cơ sở hãng hàng không hoặc thiết bị họ bay có thể ảnh hưởng tới thâm niên của họ.

    Cơ trưởng nhận mức lương cao hơn nhưng các cơ trưởng mới hiện phải đối mặt với rủi ro lớn hơn khi phải tuân theo lịch trình bay không thể đoán trước, thực hiện nhiều nhiệm vụ theo yêu cầu và được giao nhiệm vụ trong thời gian ngắn.

    XEM THÊM: Phản ứng của các bên khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

    Cơ phó 48 tuổi Anderson cho hay nếu lên làm cơ trưởng, anh sẽ được trả lương cao hơn 40% nhưng điều này đi kèm “cái giá khá đắt”. “Nếu thăng chức thì tôi sẽ phải ly hôn và gặp các con vào mỗi cuối tuần”, ông bố 3 con sống tại Indiana nói.

    Theo thỏa thuận mới, mức lương theo giờ cao nhất của cơ phó điều khiển chiếc Boeing 737 thuộc United Airlines dao động trong khoảng 231-232 USD, còn cơ trưởng cấp thấp là 311-312 USD. Việc quy tắc làm việc không được cải thiện đáng kể là lý do chính khiến nhiều phi công của hãng bay này từ chối thỏa thuận.

    Phi công Greg Sumner đã trở lại vị trí cơ phó sau 2 năm đảm nhận vị trí cơ trưởng cấp thấp. Ông Sumner chia sẻ, thời gian ngồi ghế cơ trưởng rất khó khăn do ông thường xuyên phải trong trạng thái chờ và sẽ nhận được các cuộc gọi từ nhóm lên lịch trình của phi hành đoàn suốt cả đêm, khiến ông lúc nào cảm thấy cũng mệt mỏi.

    Đinh Kim(Theo Reuters)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-nhieu-phi-cong-dan-su-my-tu-choi-tro-thanh-co-truong-du-duoc-tra-luong-cao-a583537.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan