+Aa-
    Zalo

    Bệnh nhân mất mạng, dùng tiền đền bù là xong?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bàng quan, tắc trách trong khám chữa bệnh khiến bệnh nhân thiệt mạng, bệnh tình nặng hơn nhưng rất hiếm trường hợp bác sỹ bị khởi tố.

    (ĐSPL) - Bàng quan, tắc trách trong khám chữa bệnh khiến bệnh nhân thiệt mạng, bệnh tình nặng hơn nhưng rất hiếm trường hợp bác sỹ bị khởi tố, bởi cứ dùng tiền thoả thuận đền bù là xong.
    Cũng là tính mạng, là sức khỏe con người, quý giá là thế, đáng trân trọng là thế nhưng đôi khi, chỉ vì sự thờ ơ, vô cảm của bác sỹ, người bệnh lẽ ra không chết đã phải chết, lẽ ra được chữa khỏi lại trở thành tàn phế. Những trường hợp đó, rõ ràng bác sỹ đã có sai sót trong khám chữa bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu bị phát hiện, họ cũng chỉ bị khiển trách hoặc bồi thường tiền là xong.
    Video: Mẹ con sản phụ tử vong tại bệnh viện.

    Chính thói quen dùng tiền để sửa sai và nhận tiền để im lặng đã tạo thành một thứ "luật" bất thành văn có thể chi phối cung cách ứng xử và hành vi đạo đức của một số người.
    Về vấn đề ông Lê Văn Cuông, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng: “Người nhà bệnh nhân với thói quen dùng tiền, dùng phong bì để "mua" sự nhiệt tình của bác sỹ. Và ngược lại, khi có sai sót, để xảy ra hậu quả đáng tiếc, bác sỹ lại dùng tiền để "mua" sự im lặng của người nhà bệnh nhân. Chính điều đó đã tạo một tiền lệ xấu cho cả đôi bên, xây dựng một lối ứng xử không đẹp giữa bác sỹ và bệnh nhân”.

    Ông Lê Văn Cuông.

    Ông Cuông khẳng định: Chừng nào, người nhà bệnh nhân còn chưa hiểu biết pháp luật, chưa quyết liệt đấu tranh, làm rõ trách nhiệm của bác sỹ, từ bỏ thói quen dùng tiền để giải quyết mọi việc thì các bác sỹ còn chưa thấy hết được trách nhiệm của mình trong công việc.
    Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Cuông, luật pháp của ta đang còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chưa có những quy định xử phạt cụ thể, chi tiết cho từng tội danh. Luật không quy định thì căn cứ vào đâu để mà xử? Các chế tài xử phạt đối với vi phạm trong ngành y cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ hiệu quả răn đe.
    Trong khi đó, tình trạng nội bộ ngành bao che lẫn nhau ở đâu cũng có, phổ biến trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng ngành y. Đây là một căn bệnh nan y mà nếu không chữa khỏi, chúng ta sẽ không thể thanh lọc những cá nhân yếu kém hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm ra khỏi đội ngũ cán bộ. Việc này sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là với một nghề đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người như ngành y.     
    LS. Trương Anh Tú (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư Hà Nội): Khó phát hiện sai phạm ngành y

    LS. Trương Anh Tú.

    Loại tội phạm này rất khó phát hiện. Các bước điều trị bệnh mà họ áp dụng với bệnh nhân đều là kiến thức chuyên môn, ngoài bác sỹ, không chỉ người bình thường mà cơ quan pháp luật cũng không sao biết được. Ngay cả những trường hợp bác sỹ quên kéo, quên gạc trong bụng bệnh nhân, chỉ khi mổ lại, soi, chụp mới bị phát hiện. Thực tế, trong 10 trường hợp bệnh nhân chết bất thường thì may ra có một trường hợp người nhà biết là bất thường. Và trong 10 trường hợp người nhà biết là bất thường ấy, may ra mới có một trường hợp được đưa ra trước pháp luật.
    LS. Phạm Công Út (Trưởng văn phòng luật sư Phạm Nghiêm – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh): Việc thỏa thuận bồi thường chỉ là tình tiết giảm nhẹ
    Ở Việt Nam, nếu nói về những trường hợp bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định khám chữa bệnh thì dường như mới chỉ có vụ thẩm mỹ viện Cát Tường với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Trong trường hợp, bác sỹ bị truy tố trách nhiệm hình sự về việc khám chữa bệnh sai gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe của bệnh nhân nhưng giữa bác sỹ và gia đình nạn nhân đã có thỏa thuận bồi thường thì vẫn phải bị truy tố vì trường hợp này không thuộc quy định của Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Việc thỏa thuận bồi thường đó chỉ có thể xem là một tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự mà thôi.

    LS. Phạm Công Út.

    Nhiều người không có kiến thức pháp luật, khi người nhà chết bất thường hoặc xảy ra chuyện đáng tiếc mà phát hiện lỗi do bác sỹ cũng chỉ âm thầm chịu đựng hoặc nhận một khoản bồi thường nhỏ. Nếu cứ như vậy, dù có bàng quan, tắc trách, gây hậu quả nghiêm trọng, bác sỹ cũng không lo bị truy tố trách nhiệm hình sự, cùng lắm chỉ mất tiền bồi thường. Căn bệnh vô cảm, tắc trách khó mà chữa khỏi!
    LS. Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư Hà Nội): Cứ chết người lại bị khởi tố thì chả ai dám làm bác sỹ!

    LS. Bùi Đình Ứng.

    Nếu bác sỹ nào chữa cho bệnh nhân mà bệnh nhân chết hoặc mất tay, mất chân… cũng bị khởi tố rồi đi tù thì có lẽ chả ai dám làm bác sỹ nữa, có khả năng các bác sỹ sẽ đi tù hết. Bác sỹ có phải là thánh đâu mà không có sai sót? Thiết nghĩ chúng ta cũng cần thông cảm với công việc đầy áp lực của họ. Trường hợp cháu bé bị cắt cụt chân ở Bạc Liêu chưa hẳn đã là do bác sỹ thờ ơ, tắc trách hay chuyên môn kém đến mức chẩn đoán sai dẫn đến hậu quả đau lòng như vậy. Biết đâu, vị bác sỹ kia cũng chỉ là muốn tốt cho bệnh nhân, sợ chụp chiếu, khám xét nhiều sẽ tốn kém cho gia đình họ nên mới chủ quan trước chấn thương của cậu bé.

    Nhiều nước không chấp nhận bồi thường

    Trên thế giới, có rất nhiều trường hợp bác sỹ bị kiện ra tòa và phải nộp phạt những khoản tiền lớn vì sai phạm chuyên môn.

    Năm 2013, một bác sỹ người Mỹ đã phải nộp phạt 10.000USD và bị án treo vô thời hạn vì kê đơn thuốc quá liều. Ann Raffaele (49 tuổi)  đã nộp đơn lên tòa án để kiện bác sỹ Edward Goering vì người này đã kê cho bà 19.000 viên thuốc giảm đau oxycodone trong vòng hai năm. Ann Raffaele  đòi bác sỹ phải trả cho bà số tiền là 1,5 triệu USD với cáo buộc rằng đơn thuốc này đã tàn phá cơ thể bà, khiến bà bị rụng răng, giảm thị giác, đau đầu, buồn nôn, tê tay và nghiện thuốc giảm đau.

    Mới đây, một phụ nữ  người Anh là Deborah Mackay (33 tuổi) đã đâm đơn kiện bệnh viện Bedford NHS Trust vì máy soi chiếu không phát hiện ra chứng bệnh nứt đốt sống ở thai nhi Calum để cô ra quyết định chấm dứt thai kỳ. The Trust thừa nhận đã sơ suất và chấp nhận mức bồi thường theo phán quyết của tòa án là 705,000 bảng cho chi phí ban đầu và phải hỗ trợ trong suốt quá trình nuôi dưỡng đứa trẻ.

    Nguyễn Văn Tín (Đại học dân lập Văn Lang - TP. Hồ Chí Minh): Đúng là sai một ly đi một cẳng! Nghề nào sai còn làm lại được chứ nghề y mà sai thì chỉ có đi luôn mạng người. Tiền đâu mua được mạng sống? Cứ chết người thì mang tiền ra bù là xong hay sao? Còn đâu là y đức?

    Nguyễn Thu Hoài (Thanh Trì, Hà Nội): Lại chuyện bác sỹ tắc trách, thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả đau lòng. Đây là trường hợp "Chèn ép khoang" gây hoại tử chân. Rõ ràng là do lỗi của bác sỹ không phát hiện và xử lý kịp thời, làm cho cháu bé mất chân. Cứ bảo làm sao mà người dân mất lòng tin vào tuyến dưới mà cứ ùn ùn kéo về các bệnh viện tuyến trên cho yên tâm.

    Trần Văn Diệu (Đà Lạt, Lâm Đồng): Khổ thân cháu, cha mẹ sinh ra lành lặn không thương tật, chỉ vì tắc trách trong nghiệp vụ y, giờ đây cháu thành người tàn phế. Tương lai của cháu sẽ ra sao? Vị bác sỹ khả kính kia sẽ thế nào nếu bé Nguyện là con trai ông ấy?

    DƯƠNG DUNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-nhan-mat-mang-dung-tien-den-bu-la-xong-a88599.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan