+Aa-
    Zalo

    Liên minh Nga-Thổ-Iran sẽ quyết định bàn cờ thế sự Trung Đông?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Sputnik, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông đã đẩy Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran xích lại gần nhau hơn, tạo ra một liên minh mới gây bất lợi cho Washington.

    Theo Sputnik, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông đã đẩy Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran xích lại gần nhau hơn, tạo ra một liên minh mới gây bất lợi cho Washington.

    "Sự hiện diện của quân đội Mỹ cùng việc Washington tăng cường tích tụ quân sự ở Trung Đông đang khiến nhiều quốc gia trong khu vực cảm thấy quan ngại về an ninh, điều đó buộc họ phải hình thành một liên minh mới, gắn kết những nỗ lực để đối mặt với mối đe doạ chung", nhà báo, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Bora Bayraktar nhận xét trên tờ Sputnik.

    Theo ông Bora, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và cả Syria sẽ sớm hình thành một liên minh vững chắc ở Trung Đông bởi các lý do sau đây: Lính Mỹ luôn thường trực ở khu vực, số lượng các căn cứ quân sự Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng khiến họ phải cảnh giác về an ninh.

    Bên cạnh đó, nguy cơ bị chia cắt của Syria và Iraq cùng với khả năng thành lập một nhà nước tự trị độc lập của người Kurd buộc những nước này phải xích lại gần nhau.

    Lính Mỹ tại cơ quan chỉ huy của lực lượng người Kurd ở Syria. 

    Nhà phân tích chính trị lưu ý, mặc dù 14 năm đã trôi qua kể từ khi Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự tại Iraq vào năm 2013, nhưng tới nay lính Mỹ vẫn chưa rời khỏi lãnh thổ của quốc gia độc lập này.

    Dù những phương pháp và cách thức thực hiện của Mỹ cho tới nay có nhiều thay đổi, nhưng mục tiêu duy trì sự có mặt của người Mỹ tại khu vực vẫn giữ nguyên.

    Theo Bayraktar, hiện tại Mỹ đang tìm cách cắt giảm ngân sách nên rõ ràng, Lầu Năm Góc đã quyết định hợp tác với các chiến binh người Kurd và các đảng phái chính trị trong khu vực, nhằm duy trì mục tiêu ấy.

    "Một loạt sự kiện đang đồng thời diễn ra tại khu vực: Chiến dịch nhằm giải phóng thành phố Tel Afar của Iraq, những sự chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập cho người Kurd ở Iraq, hai đợt oanh kích nhằm vào Raqqa và Deir ez-Zor", nhà phân tích chính trị nói.

    Theo ông, sự kiện mang tính chất then chốt chính là cuộc trưng cầu dân ý tại khu vực sinh sống của người Kurd ở Iraq dự kiến diễn ra vào ngày 25/9 tới.

    Trong khi Mỹ coi người Kurd là lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống IS tại Syria, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đó là lực lượng khủng bố đe dọa tới an ninh của quốc gia này.

    Ankara luôn coi người Kurd là “cái gai” trong mắt nên họ sẽ nỗ lực để Mỹ ngừng hỗ trợ cộng đồng người này phát triển ở Trung Đông.

    Trên thực tế, mới đây Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã bắt tay hợp tác để tìm cách giải quyết vấn đề này.

    Các Ngoại trưởng Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria.

    "Chuyến thăm mới đây của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ và việc lần đầu tiên thiết lập các hợp đồng quân sự giữa Tehran và Ankara kể từ Cách mạng Iran 1979 cho thấy hiện tại cả hai nước đang phải đối mặt với một mối đe doạ chung", ông Bayraktar nhấn mạnh, ám chỉ tới người Kurd và sự hậu thuẫn của Mỹ với lực lượng này.

    Hiện tại, tương lai của các chiến binh người Kurd cũng rất bấp bênh mặc dù họ đang nhận được sự hỗ trợ từ phía Mỹ, ông Bayraktar nói.

    Khi đưa ra nhận xét trên, nhà báo Bayraktar đang ám chỉ tới cuộc gặp mặt mới diễn ra giữa ông Brett McGurk và những nhà lãnh đạo Arab của tất cả các cộng đồng lớn ở tỉnh Raqqa. Ông McGurk là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ ở Liên quân quốc tế chống IS tại bộ Ngoại giao Mỹ.

    Theo ông Bayraktar, cuộc gặp ngay lập tức gây ra những đồn đoán rằng Mỹ đang ấp ủ kế hoạch hình thành một liên minh Arab mới ở Syria.

    "Người Kurd đang lo lắng liệu nước Mỹ có quay lưng lại với họ hay không. Điểm mấu chốt của vấn đề là Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tạm dừng hỗ trợ các hoạt động quân sự đối với các phiến quân đối lập Syria. Người Kurd sợ điều tương tự sẽ xảy đến với họ một khi chiến dịch ở Raqqa hoàn tất", ông Bayraktar phân tích.

    Trong khi đó, vấn đề giải phóng Idlib cũng đáng được chú ý đặc biệt.

    Chuyên gia cho rằng, những vấn đề khủng hoảng ở tỉnh này nên do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết, chứ không phải liên minh do Mỹ dẫn đầu.

    “Nếu Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cùng thống nhất về việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria thì phương án tối ưu nhất là 3 quốc gia này nên hợp thành một lực lượng hợp pháp tại Syria và tiến hành một đợt tổng oanh kích quét sạch toàn bộ các phần tử khủng bố”, chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

    Theo Bayraktar, nếu điều đó không xảy ra thì Mỹ sẽ cố gắng gây ảnh hưởng lên Idlib thông qua liên minh của mình. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại với lợi ích của cả Nga, Thổ và Iran, đồng thời đẩy tương lai của Chính phủ Syria vào vô định.

    “Tôi tin rằng vấn đề Idlib không nên để Mỹ và các đồng minh giải quyết. Khi nhắc tới đồng minh của Mỹ, cần phải nhớ tới các quốc gia Arab ở khu vực vùng Vịnh. Chính quan điểm của họ về tình hình khu vực đã khiến Syria rơi vào tình cảnh hiện tại”, chuyên gia kết luận.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lien-minh-nga-tho-iran-se-quyet-dinh-ban-co-the-su-trung-dong-a200691.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan