+Aa-
    Zalo

    Lai lịch công ty có Chủ tịch bị bắt vì khai thác đất hiếm

    (ĐS&PL) - Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, bị bắt với cáo buộc chỉ đạo khai thác 11 triệu kg đất hiếm, thu lời bất chính 440 tỷ đồng.

    Báo Người lao động dẫn tin từ Bộ Công an ngày 20/10 cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương) và Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng) về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

    lai lich cong ty co chu tich bi bat vi khai thac dat hiem 3
    Các bị can Đặng Trần Chí, Phạm Thị Hà, Lưu Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hiền (từ trái qua). Ảnh: Vietnamnet

    Cùng với đó, Đặng Trần Chí (Giám đốc Công ty Hợp Thành Phát), Phạm Thị Hà (Kế toán công ty); Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam) và Nguyễn Thị Hiền (kế toán công ty) cũng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

    Các bị can nêu trên được xác định có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương.

    Theo tạp chí Nhịp sống thị trường, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương được thành lập ngày 3/9/2002,  trụ sở chính tại số 33, phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP.Hà Nội. Công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng khác.

    Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Tháng 10/2021, công ty đã tăng vốn điều lệ từ lên 350 tỷ đồng.

    Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty là ông Đoàn Văn Huấn. Ngoài vị trí lãnh đạo tại Tập đoàn Thái Dương, ông Đoàn Văn Huấn còn là người đại diện pháp luật của loạt doanh nghiệp khác: Công ty cổ phần Đất hiếm Yên Phú, Công ty TNHH Chế biến đất hiếm, Công ty cổ phần Khai thác và chế biến vật liệu Tiên Tiến.

    Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6/2013 với diện tích 6,24ha, mức sâu khai thác đến mức + 35m, thời gian khai thác 8 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép; trữ lượng khai thác 1.894.617 tấn đất quặng (tương ứng 23.569 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3, 259.615 tấn tinh quặng sắt 60 %Fe).

    lai lich cong ty co chu tich bi bat vi khai thac dat hiem 4
    Neodymium, một trong những nguyên tố đất hiếm cực kỳ khó khai thác. Ảnh: RHJ/Getty

    Về Công ty cổ phần Đất hiếm Yên Phú, công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, được góp bởi Tập đoàn Thái Dương (53%), ông Đoàn Văn Huấn (26%), ông Đào Duy Tùng (11%) và ông Lưu Anh Tuấn (10%)

    Công ty TNHH Chế biến đất hiếm mới thành lập tháng 2/2023, vốn điều lệ 100 tỷ, hoạt động kinh doanh chính là chế biến sâu sản phẩm đất hiếm.

    Công ty cổ phần Khai thác và chế biến vật liệu Tiên Tiến chỉ mới được thành lập vào tháng 8/2023 với vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính là sản xuất các sản phẩm đất hiếm, sản xuất kim loại đất hiếm.

    Theo thông tin của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

    Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió…

    Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan – ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc.

    lai lich cong ty co chu tich bi bat vi khai thac dat hiem

    Việt Nam đang có tiềm năng đất hiếm rất lớn, đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.

    Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

    Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm.

    Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở Lào Cai. Một số mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng, theo tạp chí Kinh tế Việt Nam.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lai-lich-cong-ty-co-chu-tich-bi-bat-vi-khai-thac-dat-hiem-a595967.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan